Côn Luân
Hôm ấy họ vượt qua một cái lạch trên sông Trường Giang, tiến vào địa phận Hồ Bắc. Văn Tĩnh nhận ra thuyền nhà binh cắm đầy mặt sông, lại gặp rất nhiều nhân vật giang hồ cắp đao mang giáo. Y để tâm nghe ngóng mới biết sau khi Mông Ca chết, Hốt Tất Liệt đánh bại ấu đệ A Lí Bất Ca, đoạt lấy tước hãn Mông Cổ, đổi quốc hiệu là Đại Nguyên, đóng đô ở Bắc Kinh đã mấy năm rồi. Gần đây, theo kế sách của hàng tướng nhà Tống là Lưu Chỉnh, ông ta sai bỏ đại doanh ở Lục Bàn sơn, di chuyển quân đội từ Ba Thục đến Tương Phàn2. Quân Tống đóng ở Tương Phàn liên tiếp cấp báo về triều, sau đấy, không chỉ triều đình rầm rộ tăng binh mà Môn chủ Thần Ưng môn là Thiên nhãn Điêu vương Vân Vạn Trình cũng phát thiếp võ lâm, hiệu triệu giang hồ lập “Quần Anh minh” chiêu tập nghĩa quân chống giặc.
Văn Tĩnh hiểu ra nguyên do của sự nhộn nhịp ấy, ngẫm nghĩ: “Thục đạo hiểm trở, thuận lợi về địa thế. Tương Phàn bằng phẳng rộng rãi, chính là chỗ tung hoành của thiết kỵ Mông Cổ. Lưu Chỉnh xuất thân thủy quân Đại Tống, tinh thông thủy chiến, hắn theo bên kia đã mười năm, Mông Cổ ngày nay nói riêng thủy sư thì chưa biết thế nào, song nếu họ kết hợp cả hai đường thủy bộ thì quân mình khó bề chống đỡ …” Lại nghĩ sắp đánh nhau to, sinh linh lầm than, Văn Tĩnh đâm ra buồn bã. Trong khi đó mẹ con Ngọc Linh chỉ náo nức những chuyện ồn ã, nằng nặc đòi đi xem Quần Anh minh bằng được.
Từ sau trận Hợp Châu, Văn Tĩnh đã phát ốm lên vì nợ nước thù nhà, chẳng hứng thú đâu mà bận tâm đến cái đại hội ấy, huống hồ ở đó đông người lắm tai mắt, ngộ nhỡ gặp phải người quen đất Thục thì rắc rối to, nên thoạt tiên y kiên quyết phản đối, song chống đỡ được hai hôm, không chịu nổi vợ con eo sèo, cuối cùng y đành đồng ý đi xem, nhưng định rõ quy tắc: chỉ được quan sát, không được sinh sự. Hai mẹ con hớn hở hứa hẹn, nhưng Lương Tiêu bản tính khó sửa, chưa được một ngày đã xô xát với hai đạo sĩ.
Lúc này thấy con trai gây vạ còn chối bay chối biến, Văn Tĩnh rất bực, song nhận ra hai đạo sĩ cũng chẳng phải hạng tử tế gì, bị Lương Tiêu chọc ghẹo kể như ác giả ác báo mà thôi, nên y không nói không rằng, chỉ lãnh đạm quan sát.
Đạo sĩ mặt trắng hơi lúng túng, liếc nhìn vợ chồng Văn Tĩnh, hừ mũi:
- Được lắm! Các người dám vô lễ với đạo gia, vậy hãy báo tên hiệu, đạo gia sẽ ghi nợ.
Văn Tĩnh còn cân nhắc xem nên trả lời thế nào, Lương Tiêu đã cười đáp:
- Cha ta tên Triển Thích, mẹ ta tên Cát Nữu, còn tên ta là Bích Tử.
Văn Tĩnh ngạc nhiên nghĩ bụng, thằng nhóc lộn xộn quá, nói cái quái gì thế không biết? Đạo sĩ mặt trắng lặp lại:
- Triển Thích, Cát Nữu, Tị Tử3, hừm, cái tên này thì hơi kỳ cục …
Lương Tiêu cười nói:
- Có gì đâu mà kỳ cục, tại ngươi là một lão mũi trâu đó thôi.
Mọi người ngẩn ra, rồi phá lên cười khoái trá. Đạo sĩ mặt đen mắc lỡm, trừng mắt quát:
- Đồ lộn giống…
Ngọc Linh từ từ đứng dậy, hỏi:
- Tên mũi trâu, ngươi chửi ai đấy?
Dung mạo nàng cực đẹp, nhưng ánh mắt thì sắc lạnh vô cùng, đạo sĩ mặt trắng cảm thấy bất ổn, cung tay nói lớn:
- Non nước còn đây, ngày sau tất có dịp tái ngộ ba vị. – nói đoạn, hắn kéo sư đệ chạy vù ra cửa.
Văn Tĩnh quay lại giải huyệt cho La Tùng, nhìn sang Hàn Tranh đã cứng miệng, hôn mê bất tỉnh, y bất giác cau mày:
- Vị nhân huynh này bị thương nặng đấy!
La Tùng hậm hực:
- Tên đạo sĩ khốn kiếp xuất cước thực tàn độc… - cùng với lời nói, khuôn mặt y đổi ra ảm đạm vô cùng.
Văn Tĩnh chìa tay về phía Ngọc Linh. Phu phụ tâm đầu ý hợp, Ngọc Linh hiểu ngay, lườm chồng bảo:
- Lại muốn làm người tốt nữa kia… - miệng thì lầu bầu vậy, song nàng vẫn lấy ra một bình ngọc mỡ dê, đổ hai viên Huyết Ngọc Hoàn Dương đan vào tay Văn Tĩnh.
Văn Tĩnh ấn huyệt Đản trung của Hàn Tranh, đẩy Hạo nhiên chính khí sang. Họng Hàn Tranh phát ra tiếng lục khục, rồi y kêu “A!”, hàm mềm đi, Văn Tĩnh tống một viên đan dược vào, lại dùng nội lực đánh tan thuốc. Chừng thời gian cạn một tuần trà, sắc mặt Hàn Tranh hồng lên, gã từ từ mở mắt.
La Tùng mừng rỡ vô kể, đang định tạ ơn, chợt thấy hai bóng người lướt vào quán. Người đi đầu cất tiếng gọi:
- Hàn lão đệ!
Hàn Tranh vừa hân hoan vừa ngạc nhiên, bất chấp thương tích gắng gượng nhổm dậy đáp:
- Cận Phi huynh! – rồi nhìn ra mé sau Cận Phi, y càng hớn hở, - Vân công tử cũng đến ư?
Cận Phi tuổi ước ba mươi, mặt chữ điền, vai rộng tay dài, khí phách hùng dũng. Vị tiểu hậu chủ sau lưng y xem ra chưa đến mười lăm, dung mạo anh tuấn, nghe Hàn Tranh gọi, khuôn mặt trắng trẻo hơi đỏ lên, cậu thẹn thùng đáp:
- Hàn đại ca, lâu quá rồi không gặp!
Cấn Phi nhìn sắc mặt nhợt nhạt của Hàn Tranh, ngạc nhiên hỏi:
- Hàn lão đệ, ai làm đệ bị thương vậy?
Hàn Tranh nhớ lại chuyện lúc trước, vừa thẹn vừa căm, đập chân nói:
- Con mẹ nó, thằng mọi mũi trâu chết băm chết vằm!
Gã vừa bị thương bất tỉnh, giờ lại chửi người ta đâu ra đấy, làn hơi sung mãn, chính gã chưa cảm thấy lạ, nhưng La Tùng thì hết sức kinh ngạc, liếc Văn Tĩnh tự nhủ:
- Đan dược của người này thật thần kỳ.
Cận Phi nhướng đôi mày rậm:
- Thằng mọi mũi trâu? Ý Hàn đệ nói đến một đạo sĩ mặt đen?
Hàn Tranh kinh ngạc:
- Sao kia? Cận Phi huynh cũng chạm mặt tên đó rồi?
Cận Phi lắc đầu:
- Tôi đang vâng mệnh sư phụ tìm bắt hắn. Đạo sĩ mặt đen ấy đi lẫn với vài đứa tùng đảng khác, nhưng được cái dễ nhận diện. Trên đường lên bắc, hắn đã đánh bị thương nhiều đồng đạo tới phó hội. Sư phụ sai tôi dẫn các sư đệ tỏa đi khắp nơi chặn bắt, nhất định phải tóm được chúng. – y nhìn sang La Tùng, - Vị này là ai?
Hàn Tranh cười:
- Đây là La Tùng huynh.
Cận Phi hơi đổi sắc mặt, vòng tay nói:
- Thì ra là La Đoạn thạch. Cửu ngưỡng! Cửu ngưỡng!
La Tùng đáp lễ:
- Không dám, không dám! Uy danh Cận huynh như sấm động bên tai.
Cận Phi nghiêm chỉnh đáp:
- Cận Phi thô lậu, chút danh phận hèn mọn trên giang hồ nào đáng kể chi! La huynh đã từng tham gia chiến dịch Hợp Châu, anh dũng không tiếc thân, giết giặc như chẻ tre mới thực sự đáng nể. Dạo ấy thầy tôi có việc bận nên không kịp đến Hợp Châu, giờ đây mỗi lần nhắc tới La huynh đều luôn miệng khen ngợi!
Trận Hợp Châu là sự kiện tâm đắc nhất trong đời La Tùng, khổ nỗi lần đầu ra sa trường đã trúng một đao, sau đó nằm liệt giường cả tháng trời, khi ngồi dậy đi lại được thì chiến dịch cũng kết thúc rồi, làm gì đến mức anh dũng không tiếc thân, giết giặc như chẻ tre, nay nghe Cận Phi ca tụng y vừa sướng vừa ngượng, lúng túng bảo:
- Thực hổ thẹn, La mỗ ngu dốt chậm chạp, không đáng nhận lãnh lời khen vàng ngọc của Vân Điêu vương, – đang mải chuyện thì thoáng trông thấy cả nhà Văn Tĩnh dợm bước ra cửa, y gọi giật giọng. – Xin đừng đi!
Vừa nghe kể La Tùng đã từng tham chiến ở Hợp Châu, Văn Tĩnh đã bở vía, vội vội vàng vàng dắt vợ con bỏ đi. Lúc nghe La Tùng gọi, y càng rảo chân cho nhanh, nào ngờ mới được mấy bước thì một bóng người bỗng đâu xẹt tới trước mặt. Thiếu niên họ Vân chắn ngang đường.
- Bảo các hạ dừng lại, không nghe thấy hả? – cậu ta khum các ngón trái thành trảo, chộp vào vai Văn Tĩnh.
Thế trảo hung dữ quá, Văn Tĩnh không kịp tránh, lập tức rùn vai xuống. Tay áo y phồng lên, phất qua ngực thiếu niên. Cảm nhận được luồng kình phong lướt sát người, đè trĩu trên ngực, thiếu niên thét to:
- Được! – rồi xoay chân đáp sang bên cạnh Văn Tĩnh, thò trảo chộp ngược lại. Văn Tĩnh quan sát thân pháp cậu bé, ồ lên kinh ngạc, đoạn y phẩy tay áo rộng ra sau, mượn trảo kình trôi lên phía trước. Thiếu niên quát:
- Muốn chạy ư? – cậu ta dịch trái ba bước, dịch phải ba bước, bám sát Văn Tĩnh như bóng theo hình, các ngón tay khum khum như móc câu, nhăm nhăm đâm vào huyệt Thận du của Văn Tĩnh.
Huyệt Thận du là yếu huyệt trên cơ thể người, là nơi dồn tụ tinh khí tiên thiên. Thiếu niên phát trảo rất kín, dùng toàn chiêu số có thể khiến người ta tuyệt hậu. Văn Tĩnh hết sức bất bình: “Kẻ hậu sinh này trông thì yếu ớt mà xuất thủ quá tàn độc!” Y lập tức trở mình, thi triển công phu Thiên toàn địa chuyển. Thiếu niên chụp hụt, lại bị đối phương kéo bật lên phía trước, chưa kịp đứng vững bỗng thấy cổ tay căng mạnh, thì ra đã bị Văn Tĩnh nắm lấy. Thiếu niên kinh hãi, tay trái vận kình giật về, trảo phải xoay tròn, mổ vào huyệt Kỳ môn trước ngực Văn Tĩnh.
Cậu bé xuất thủ quá độc ác. Văn Tĩnh tức giận vô cùng, y không lắc mình tránh nữa mà vung chưởng cự lại. Chưởng đôi bên giao nhau, thiếu niên nhận thấy nội lực đối phương cuồn cuộn dồn sang như thác đổ, chợt hự lên một tiếng, giật lui ba bước, khí huyết trào ngược trong ngực, mặt đỏ bầm tựa trát máu.
Mãi mới tìm được một lúc trận đấu chững lại, La Tùng vội chen vào giữa hai người nói to:
- Xin các vị dừng tay!
Văn Tĩnh nhìn cậu bé, cau mày hỏi:
- Ai dạy ngươi Tam tam bộ vậy?
Thiếu niên họ Vân nghe người ta gọi đúng công phu của mình thì rất ngạc nhiên:
- Phượng Tường tiên sinh!
Văn Tĩnh gật gật đầu, xoay mình bỏ đi. Cậu bé liền chạy ào lên chặn đường:
- Đi đâu? – rồi giơ tay cản. Hai người xô vào nhau, không rõ Văn Tĩnh dùng thủ pháp gì, chỉ thấy thiếu niên nọ lộn nhào trở lại, mặt đỏ lựng như uống rượu, đứng loạng choạng không vững. Cận Phi lao lên đỡ, vừa chạm vào người cậu bé đã thấy lực đạo ùn ùn đổ sang, cũng may hạ bàn của y khá chắc nên không ngã ra đất, y hãi hùng ngẩng đầu nhìn. Văn Tĩnh đã dắt vợ bế con đi xa rồi, La Tùng giậm chân kêu khổ:
- Vân công tử, sao cậu lỗ mãng như vậy?
Thiếu niên họ Vân ngây người:
- Hắn ta không phải là đồng bọn của đạo sĩ mặt đen ư?
La Tùng nhìn Hàn Tranh. Hàn Tranh đỏ mặt, ho khan đáp:
- Làm gì có chuyện ấy! Vân công tử hiểu lầm rồi, ông ấy là ân nhân của Hàn mỗ!
Thiếu niên họ Vân kinh ngạc:
- Ân nhân ư? Thế… thế là thế nào vậy?
Hàn Tranh thở dài, kể vắn tắt đầu đuôi câu chuyện. Cận Phi nghe xong buồn phiền vô cùng, trừng mắt trách thiếu niên:
- Vân Thù, sao em không hỏi cho rõ ràng trắng đen mà đã xuất thủ bừa bãi?
Vân Thù đỏ mặt, đỏ đến tận mang tai, lúng búng đáp:
- Em, em…
Cận Phi nói:
- Em em cái gì, đuổi theo mau! Nhất định phải tạ lỗi với người ta.
Vân Thù vâng dạ luôn miệng. Đúng lúc ấy, ngoài cửa bỗng có một nhà nho già lao vù vào, toàn thân ướt đẫm, mặt trắng nhợt, kêu la liên hồi:
- Có ma, có ma!
Chủ quán tức giận:
- Lão Diệp, lão lên cơn gì thế? Có ma! Có ma! Có con ma cái mẹ lão ấy.
Nhà nho ngẩn ra, bỗng khóc ồ ồ:
- Đúng là đã gặp ma mà, ghê lắm! Cho tôi một bát rượu đi, lạnh quá, lạnh quá!
Chủ quán xua tay gắt:
- Cút cút! Uống mà lười trả, ai dây vào lão cũng xúi quẩy hết.
Vân Thù sắp ra khỏi cửa, chợt cau mày quay lại, móc một đĩnh bạc ném cho chủ quán, cười nhạt:
- Miếng bạc này có đủ mua một bát rượu không?
Chủ quán tươi mặt, giơ tay đón lấy, luôn miệng nói:
- Quá đủ, quá đủ ạ!
Vân Thù nói:
- Đủ thì tốt! Lấy cho tiên sinh đây hai bát rượu, chỗ thừa thì mua giúp ông ấy một bộ quần áo sạch sẽ. – nói rồi cậu quay mình chực đi, ai dè nhà nho già nắm lại, trợn mắt bảo:
- Tôi… tôi gặp ma thật mà, cháu tin không?
Vân Thù vốn tính cả thẹn, thấy ông già có vẻ điên điên, cậu đỏ mặt, không nói được gì. Mấy tay phục vụ trong quán tiến đến gần, lôi nhà nho đi, cúi mình cười bảo:
- Vợ ông ấy bỏ theo người ta nên ông ấy cứ dở điên dở dại, xin công tử đừng để bụng.
Vân Thù nhìn nhà nho già, khẽ thở dài, quay mình bước ra cửa. Cận Phi, Hàn Tranh và La Tùng đương đứng chờ bên ngoài. Mỗi người một ngựa, phi suốt một thôi đường mà chẳng thấy bóng dáng nhà họ Lương đâu. Cận Phi thất vọng dừng ngựa hỏi:
- Vân Thù, khi đi người đàn ông ấy đã nói gì vậy?
Vân Thù đáp:
- Ông ta hỏi về thân pháp của em.
Cận Phi cau mày nói:
- Ờ nhỉ, thân pháp em dùng lúc đó không giống võ công của Thần Ưng môn. – y quắc mắt, vẻ nghiêm khắc.
Vân Thù nóng bừng mặt, cúi đầu:
- Đó… đó là võ công của Phượng Tường tiên sinh!
Cận Phi sắc mắc:
- Phượng Tường tiên sinh là ai?
Vân Thù lưỡng lự:
- Phải bắt đầu kể từ ngày ba mươi tháng chạp năm ngoái. Hôm ấy trời đầy tuyết, em và Phùng Tú tài, Chu Tú tài lội tuyết đến Huệ sơn… Truyện "Côn Luân "
Cận Phi sầm mặt, hừ mũi:
- Lại Phùng Tú tài, Chu Tú tài! Hai tên hủ nho văn dốt võ dát, chỉ giỏi kêu rên bất mãn, ngâm ngợi thơ thẩn thối tha, em cứ cặp kè với những quân khốn kiếp ấy thì có tiền đồ gì được hả?... Mà thôi, em kể tiếp đi.
Vân Thù ngượng ngùng đáp:
- Vâng… Hôm ấy trời rét cắt ruột, mặt đất đông cứng, tuyết rơi tựa lông ngỗng, vỡ vụn dưới gót chân, chúng em đến khu suối trong Huệ sơn, ở đấy mặt nước đã đóng băng cả rồi. Phùng Tú tài nổi hứng nói muốn khoét một lỗ lấy nước nấu trà. Vì vậy em tuốt kiếm đục băng để dẫn nước. Chu Tú tài nhìn suối tuôn ào ào, sực nghĩ ra điều gì, bỗng ngâm rằng: “Tuyền, tuyền, tuyền4!” vốn định tức cảnh làm một bài thơ, ai ngờ vừa ngâm xong câu ấy đã đứt mất tứ. Em và Phùng Tú tài đều nghĩ, ba chữ “tuyền” nghe thì bình dị chứ thực chất khí vận rất dào dạt, không phải cứ nhét bừa câu nào vào cũng phối được. Chúng em đương buồn phiền, thình lình có người sang sảng đọc nối: “Tuyền, tuyền, tuyền, Bính xuất cá cá trân châu viên, Ngọc phủ phách xuất ngoan thạch tủy, Kim câu đáp xuất lão long diên5!”
La Tùng tuy chẳng phải dân tinh thông bút mực, nhưng nghe xong cũng phải vỗ đùi tán thưởng:
- Thơ hay!
Vân Thù được lời như cởi tấm lòng, bèn mỉm cười với y. Cận Phi hỏi:
- Người đọc thơ chắc là Phượng Tường tiên sinh chứ gì?
Vân Thù gật đầu:
- Sư huynh đoán đúng lắm, chính là Phượng Tường tiên sinh! Chúng em nghe thơ là phục ngay, bèn hỏi tên hiệu, mời ông lại ngồi cùng. Phượng Tường tiên sinh cử chỉ đường hoàng, ăn uống chẳng hề khách sáo, cao đàm khoát luận khiến ai nấy ngưỡng mộ. Cứ thế, mọi người nhóm lửa trên đất tuyết, uống trà bình thơ, ôi, thời gian như tên bắn, thoáng chốc đã đến giờ ngọ, Chu Tú tài nhìn nắng đổ xuống tuyết, cao hứng vô cùng, lại ngâm: “Tuyết, tuyết, tuyết!” Dứt câu ấy cũng mất tứ.
Hàn Tranh phì cười:
- Đầu voi đuôi chuột, đúng là một tên vứt đi.
Vân Thù sầm mặt, lạnh lùng bảo:
- Hàn đại ca, anh mắng tôi không sao, nhưng anh mà chửi bạn bè tôi, Vân Thù này sẽ tính sổ đến nơi đến chốn.
Hàn Tranh ngớ người, nín cười bảo:
- Vân công tử chớ trách, Hàn mỗ có tiếng ruột để ngoài da, cậu cứ coi như mồm tôi mọc ngược, nói chuyện thối như đánh rắm ấy!
Lời lẽ y thô tục, song lại thuận tai Cận Phi và La Tùng, cả hai phá lên cười ha hả.
Vân Thù nghe Hàn Tranh tự trách, cảm thấy bất an, vội xoa dịu:
- Hàn đại ca đừng nói vậy kẻo tôi đây hổ thẹn.
Hàn Tranh và La Tùng nhìn nhau, mắt đều ánh lên vẻ giễu cợt, cùng nghĩ: Truyện "Côn Luân "
- Cái cậu Vân Thù này xuất thân thế gia võ lâm, sao lại ưa thích văn vẻ như vậy?
Vân Thù kể tiếp:
- Nghe Chu Tú tài đọc ba chữ Tuyết, chúng tôi đều cảm thấy rất đột ngột, không họa theo được, đành ngong ngóng nhìn sang Phượng Tường tiên sinh. Tiên sinh mỉm cười, dõng dạc đọc: “Tuyết, tuyết, tuyết, Xứ xứ quang huy minh hiệu hạo, Hoàng Hà tỏa đông tuyệt tiêm lưu, Hách hách nhật quan tu bính liệt.”
La Tùng vỗ đùi đánh đét, khen ngợi:
- Khí phách làm sao!
Vân Thù mỉm cười:
- La huynh nói phải lắm, khí phách trong bài thơ này quả tình rất hiếm có.
Cận Phi xuất thân hàn vi, cô lậu quả văn, nghe vậy phát sốt phát rét, cau mày giục:
- Vân Thù! Em hãy nói vào ý chính, đừng lan man thơ thẩn nhăng cuội nữa!
Vân Thù cụt hứng:
- Vâng, về sau cũng chẳng còn gì nữa đâu, Phượng Tường tiên sinh ngâm thơ xong thì đứng dậy bỏ đi.
Cận Phi ngạc nhiên:
- Ối, ông ta bỏ đi như thế, làm sao dạy em võ công được?
Vân Thù cười đáp:
- Sư huynh đừng sốt ruột, em còn chưa kể hết! Thấy Phượng Tường tiên sinh mặc áo mỏng, sợ ông nhiễm lạnh sinh bệnh, em bèn cởi áo choàng điêu thử ra, thi triển khinh công đuổi theo, khoác lên vai cho ông.
Cận Phi cười khẩy:
- Hay nhỉ! Tấm áo lông điêu sư nương tự tay may mà em đem cho người ta dễ dàng thế? Hừ, chả trách lúc quay về em lại nói dối sư nương, bảo là qua sông trôi mất! Khéo trí trá thực!
Vân Thù xấu hổ lí nhí:
- Cha dạy phải biết cứu khốn phò nguy. Người ta chịu lạnh, mình đâu thể ngoảnh mặt làm ngơ? Truyện "Côn Luân "
Cận Phi cười nhạt:
- Em xem ông ta ăn mặc phong phanh nhưng vẫn đi lại đứng ngồi, ung dung nói cười trong gió tuyết, có người bình thường nào sánh được không?
Vân Thù toát mồ hôi, nuốt nước bọt đánh ực:
- Sư huynh nói phải, nhưng em bị khuất phục bởi phong thái của ông nên lúc ấy chẳng suy nghĩ sâu xa gì cả. Về nhà rồi, em còn mãi hồi tưởng cảnh tượng ban ngày đến nỗi đêm trằn trọc không sao ngủ được. Hôm sau đẩy cửa trông ra thấy tuyết vẫn mù mịt, lòng lại rạo rực, em bèn khoác áo vào rồi đi một mình đến Huệ sơn, chỉ mong gặp được Phượng Tường tiên sinh. Vừa tới nơi đã thấy tiên sinh đứng ngay trước núi, như thể đoán được rằng em sẽ trở lại. Trông thấy em, ông cười: “Ngươi đến đấy à? Ha, hôm qua ngươi mời ta thưởng trà, hôm nay ta mời ngươi uống rượu.” Nói rồi ông cầm một cái hồ lô bảo: “Ta đem chiếc áo da ngươi cho đổi lấy bầu rượu này, chúng ta đừng nên uống nhanh quá.” Ối sư huynh ơi, tấm áo choàng to tướng bằng lông điêu đáng giá nghìn vàng mà ông ấy đem đổi chác với một bầu rượu, thực khổ, chả biết cao thấp gì cả. Truyện "Côn Luân "
Cận Phi hừ mũi, mặt tối sầm.
Vân Thù hoang mang, lắp bắp kể tiếp:
- Thế là, em với ông ấy ngồi xuống. Hai bên cạn xong một chén, Phượng Tường tiên sinh than: “Tiếc thực, có rượu mà thiếu mồi, không nhâm nhi được hết cái ngon.” Ông nghĩ ngợi rồi móc ống tay áo ra một cái triện vàng đầu sư tử, cười bảo: “Đây là ấn quan của tri phủ Bình Giang Phàn Chương Khôi, tên cẩu quan họ Phàn đó chỉ ưa luồn cúi leo cao, tham ô biển thủ, đục khoét của dân, chật vật mãi mới mua được phẩm hàm tri phủ này. Vừa khéo hai hôm trước là dịp ngự sử đến tuần sát, ta bèn tiện tay nhấc luôn cái ấn của hắn. Theo hình luật Đại Tống, người nào để mất ấn quan, nặng thì xử trảm, nhẹ thì bãi chức. Bộ dạng tên cẩu quan ấy lúc này chắc là buồn cười lắm, ha ha, khoái thật khoái thật, cạn chén nào!” Nói rồi tiên sinh cụng với em một chung. Ông thuật chuyện rất dửng dưng, em nghe mà kinh ngạc, nghĩ bụng nha môn tri phủ tuy chẳng phải đầm rồng hang hổ song cũng không phải nơi có thể tùy ý vào ra, lại ngắm ông già ngồi trong màn tuyết, mình mặc tấm áo đơn đã rách thòi cả ruột, bất giác em sực hiểu, đó là một dị nhân giang hồ.
Hàn Tranh và La Tùng bật cười, Cận Phi thì hầm hầm. Vân Thù nín bặt, thấp thỏm liếc sư huynh, mặt như gấc chín.
Cận Phi mỉa mai:
- Em đã dám làm mà còn sợ người ta cười ư? Sau đó thì sao?
Vân Thù đành tiếp tục:
- Tiên sinh uống với em thêm chung nữa, rồi lấy ra một tập văn tự cầm cố, bảo rằng: “Ngưu Bách Vạn6 ở Vu Hồ vừa tham vừa ác, không chỉ đầu cơ tích trữ mà còn cho vay nặng lãi, lợi tức cực cao, khiến bao người khuynh gia bại sản, bán vợ đợ con. Sáu hôm trước, ta ôm sạch giấy nợ, khế ước ruộng đất và vàng bạc châu báu của hắn đi, châu báu thì phân phát cho dân chúng, còn văn tự ruộng đất này…” Tiên sinh vừa nói vừa vò trong tay, tập giấy liền nát vụn, ông nhếch mép: “Từ giờ trở đi, gia tài của Ngưu Bách Vạn đã mất đến chín mươi chín phần trăm, hắn yêu sự sản như mạng sống, ắt hẳn tan nát ruột gan, muốn chết cho rồi. Ha ha, cái tên Ngưu Bách Vạn lòng lang dạ sói này! Chúng ta lại cạn một chén nào.” Tiên sinh nói xong, bèn uống với em một chén. Chứng kiến nội lực của ông lúc nghiến tay, em càng cảm thấy kinh lạ. Cha mình bản lĩnh rất cao, tuy cũng có thể làm như vậy, nhưng chưa chắc đã thong dong tiêu sái bằng.
Cận Phi trầm ngâm:
- Hai chuyện em kể, ta đều có nghe đồn. Cái ông Phượng Tường ấy, tuy nói năng hành xử theo chiều hướng nghĩa hiệp, song cách thực hiện thì quanh co ngóc ngách, không được thẳng thắn.
Hàn Tranh tiếp lời:
- Đúng đấy! Tham quan ác nhân thì chém luôn một đao cho chết mẹ nó đi, hà tất bày vẽ rắc rối?
Vân Thù phật ý:
- Phàn Chương Khôi chỉ thích bợ đỡ để tiến thân, Ngưu Bách Vạn yêu tiền bạc như tính mạng, đối với chúng thì mất quan tước của cải còn khổ sở hơn là bị giết ấy chứ.
La Tùng cười:
- Vân công tử nói đúng lắm. Hai đứa đó cả đời vun vén, một sớm một chiều hóa trắng tay, chúng sẽ khốn đốn biết chừng nào!
Vân Thù được y phụ họa, bật cười:
- La huynh thực rất hiểu lòng người.
Cận Phi lạnh lùng nói:
- La huynh rất hiểu lòng người, còn ta thì là đầu đất hả? Hừ, bắt vào chuyện chính đi!
Vân Tùng nhợt mặt, lập cập đáp:
- Vâng, vâng. Là thế này, Phượng Tường tiên sinh cứ kể xong một chuyện hành hiệp tâm đắc là lại cụng với em một ly, chẳng bao lâu rượu đã sạch bách. Sau đó ông đứng dậy, người nhuốm hơi men, chân bước liêu xiêu trên tuyết, vừa bước vừa nói cái lẽ tam tài, tiên thiên dịch số gì ấy, nghe rất sâu xa ảo diệu. Cũng may Chu Tú tài tinh thông dịch lý, ngày thường em theo học đã nắm được cả, nay biết Phượng Tường tiên sinh võ nghệ đầy mình, lại thấy bộ pháp của ông độc đáo quá nên em âm thầm theo dõi. Ông bước không nhanh cũng không chậm, như đi dạo trong vườn thôi, nhưng lạ là sự dịch chuyển ấy lại gây ra gió, khiến tuyết rơi xuống đều bị cuốn chùm, quay rất lâu phía trên đầu ông như một lá cờ tiết lớn màu trắng.
Ba người kia giật mình nhìn nhau, cùng nghĩ:
- Chỉ bước đi mà kéo theo gió xoáy khiến hoa tuyết ngưng tụ, thực chưa nghe đến thứ võ công như thế bao giờ. Mà chẳng rõ có phải thật không, hay thằng bé này hứng chí nói càn, khoa trương khoác lác? – Ai nấy cùng đăm chiêu, tỏ vẻ nghi hoặc.
Vân Thù vẫn kể:
- Phượng Tường tiên sinh di chuyển như vậy khoảng một canh giờ mới dừng chân, cười hỏi: “Ngươi nhìn rõ được mấy phần kiểu đi của ta?” Em cứ thực tình đáp: “Chưa được một phần mười.” Phượng Tường tiên sinh gật đầu: “Giỏi, giỏi lắm.” Ông trầm ngâm một lúc, lại nói: “Mấy năm nay, ta mải tìm hai người. Một người lẽ ra là vợ ta, nhưng nàng đã lìa xa, trốn tránh ta khắp mọi nơi. Một người nữa lẽ ra là đồ đệ ta, nhưng năm xưa vì một chút suy nghĩ sai lệch, vô duyên vô cớ mà bỏ qua nó, ôi, đáng tiếc.” Nói xong ông nhìn em bảo “Đã hụt một lần thì cũng đành vậy, nhưng để hụt lần thứ hai thì mới thực là đáng trách.” Truyện "Côn Luân "
Cận Phi cau rúm mày. La Tùng cười nói:
- Vân công tử, chúc mừng cậu! Đoan chắc Phượng Tường tiên sinh đã có ý thu nhận cậu làm học trò.
Vân Thù lúng túng:
- La huynh khách sáo quá. Tôi cũng nhận ra ý tiên sinh. Song nước có phép nước, nhà có luật nhà, võ lâm có quy củ của võ lâm, tôi chưa bẩm với cha, làm sao dám tự tiện bái sư? Vì vậy tôi lặng thinh. Tiên sinh áng chừng đọc được ý tứ của tôi, bèn đứng dậy cười bảo: “Thôi, còn chưa mất hẳn hi vọng, ta tiếp tục tìm kiếm tên đồ đệ ngày xưa vậy. Nếu vẫn không tìm thấy, rằm tháng tám này, ta sẽ sang dãy Bạch Sa ở Yên sơn.” Nói rồi ông phất hai tay, cười lớn bỏ đi.
Cận Phi thở phào, nói rằng:
- Sư đệ! Suy cho cùng em cũng đã làm một việc đúng. Khoan bàn em có tự tiện bái sư hay không, cứ nhắc đến võ công Thần Ưng môn nhà ta cái đã. Võ công Thần Ưng môn bác đại tinh thâm, anh em mình hiện chưa xong nhập môn thì đành vậy, chứ mai này luyện tập cao hơn, chắc đâu đã thua kém Phượng Tường tiên sinh. Huống hồ ông ta hành xử quái đản, không phải là quân tử đường hoàng, cứ tránh cho xa thì hơn.
Vân Thù ngoài miệng vâng dạ, trong bụng lại nghĩ thầm:
- Quân tử đường hoàng thế nào chẳng biết, nhưng nhất định không thú vị bằng Phượng Tường tiên sinh. - đang mải nghĩ, chợt nghe thấy Cận Phi nói:
- La huynh! Hàn lão đệ! Sắp đến giờ tụ hội rồi, mình không theo kịp nhà họ đâu. Đây cũng gần Bách Trượng Bình, chúng ta thong thả đi đi.
Sau một thoáng trầm ngâm, La Tùng nói:
- Cận lão đệ! Ta cứ băn khoăn mãi, không biết có nên nói ra hay không. Người đàn ông áo vải đó quả thực… quả thực rất giống một người!
Cận Phi tỏ vẻ chăm chú:
- Ai?
La Tùng kề tai y nói khẽ một cái tên. Cận Phi kinh ngạc buột mồm:
- Có thể nào? Chẳng phải ông ta đã ốm chết từ lâu rồi hay sao?
La Tùng lắc đầu:
- Theo ta được biết, vụ ốm chết chỉ là do quan phủ nói thác thế thôi. Chưa chừng ông ta còn sống đấy.
Cận Phi nhướng đôi mày rậm, cao giọng nói:
- Ngày nay triều cương thối nát, gian thần lộng hành, nếu người đó còn sống thì vì cớ gì không ra mặt?
La Tùng thở dài:
- Cận lão đệ! Đại anh hùng đại hào kiệt suy nghĩ có chỗ khác biệt, hạng phàm phu tục tử như hai ta làm sao hiểu được?
Cận Phi ngẫm nghĩ hồi lâu rồi bảo:
- La huynh nói phải. Việc đã quan trọng như thế, mình phải chia ra tìm họ để hỏi cho ngọn ngành. Nhưng chẳng may nhỡ giờ liên minh thì thầy tôi sẽ không vui đâu. Vì vậy các vị đừng đi xa quá, hễ nghe thấy hiệu lệnh thì phải nhanh chóng về Bách Trượng Bình nhé.
Dặn dò đâu đấy, bốn người chia hướng lùng tìm. Vân Thù theo hướng đông, ngại sẽ khó xử khi gặp Văn Tĩnh nên cố ý lỏng cương, ruổi ngựa đi dềnh dàng. Bỗng chốc nghe thấy phía xa có tiếng nhạc sáo u u vọng tới, lòng động hiếu kỳ, cậu nghĩ bụng: “Tiếng sáo sậy này ở đâu ra đây? Người thời Đường có thơ rằng:
Trước núi Hồi, cát dường tuyết phủ ,
Bên thành Thụ, trăng ngỡ sương sa .
Sáo lau đâu đó nghe văng vẳng ,
Đêm thâu lữ khách ngóng quê nhà7
Sáo bằng ống sậy là nhạc cụ vùng Tái Bắc8, nơi đây sao lại có âm thanh mạn ngoài thế này? Ừm, giai điệu nghe buồn nhớ, phải chăng người thổi sáo gặp nỗi phiền muộn nào?” Vân Thù ưa làm việc nghĩa hiệp, liền lần mò đi theo tiếng nhạc. Lát sau, đến gần một gò đất, cậu trông thấy một người áo đen ngồi trên đỉnh gò, lưng quay về phía mình, mặt quay về hướng nam.
Vân Thù xuống ngựa, cao giọng gọi:
- Tiên sinh thổi nghe thê thiết quá! Chắc ông gặp chuyện gì đau lòng phải không?
Tiếng sáo im bặt, người áo đen hừ mũi, lạnh lùng nói:
- Trời cao đất rộng, xưa nay vẫn là cái lò nung nấu thế nhân. Hai chữ đau lòng, trong đời người có ai thoát nổi? – Giọng nói đều đều, không chút âm sắc, nghe rất khó chịu.
Vân Thù trẻ người non dạ, chưa thấm thía nỗi khổ trần ai, không biết đối đáp ra sao trước những lời lẽ kỳ quái ấy. Chợt loáng thoáng đằng xa có tiếng tù và, cậu đổi sắc mặt, hấp tấp nói:
- Tiên sinh! Tôi bận chút việc, không thù tiếp được nữa. – đoạn quay đi, chạy mấy bước rồi bật cao, đáp xuống lưng ngựa.
Vân Thù chưa ngồi vững, một tiếng rít khẽ bỗng vang lên, nghe như tiếng mũi tên xé gió. Cậu bé còn đương thắc mắc thì lại thấy con ngựa mình cưỡi vụt hí lên thê thảm, ngã vật xuống. Cậu vội lộn khỏi mình ngựa, trụ vững rồi đưa mắt nhìn kỹ, trên cổ ngựa có một lỗ nhỏ xíu, máu đương òng ọc chảy ra. Vân Thù ngó quanh, ở nơi đây ngoài người áo đen thì không còn ai khác, cậu nổi giận:
- Tiên sinh, tại sao tự nhiên ông giết con ngựa của tôi?
Người áo đen lạnh lùng hừ một tiếng, chậm rãi đứng dậy. Vóc người ông ta không cao, nhưng đứng trên gò nên trông khí thế rất oai phong, đầu đội trời chân đạp đất.
Ông ta thoáng ngẫm nghĩ, giọng chợt trầm xuống, nửa hỏi nửa đáp:
- Thằng ranh, ngươi là đệ tử của Vân Vạn Trình hay là môn nhân của lão Cùng nho?
Vân Thù ngạc nhiên:
- Vân Vạn Trình là cha tôi. Còn lão Cùng nho là ai, tôi có quen đâu?
Người áo đen cười nhạt:
- Giả bộ ngơ ngác lừa gạt hả? Tư thế tung mình lên ngựa của ngươi là Xuyên Vân túng của Thần Ưng môn, nhưng mấy bước trước đó thì là gì?
Vân Thù sực hiểu:
- Ông muốn nói đến Phượng Tường tiên sinh phải không?
Người kia tức giận hừ mũi:
- Phượng phượng gà gà cái khỉ gì? Thằng oắt con nhà ngươi thực gian dối! – ông ta vụt dịch ra sau một bước, lúc trụ bộ thì đã ở dưới chân gò.
Thấy người ta giật lùi mà có thể bước xa đến mấy trượng như thế, Vân Thù đâm hoảng, chưa kịp định thần thì người đó đã đến ngay trước mặt, lật tay về sau tóm vào ngực cậu.
Vân Thù luống cuống vung chưởng chặt cánh tay người đó, chưởng vỗ trúng trảo, hung mãnh lạ thường, nhưng người áo đen không hề né tránh. Rìa chưởng chém tay như thể va vào thép nguội, Vân Thù vội vàng chuyển thế ưng trảo mổ xuống mạch môn đối phương, trảo lực cũng chứa vài phần hỏa hầu, sức phạt đứt tứ chi. Nào ngờ cổ tay người kia trơn như xoa mỡ, chuồi qua các đầu ngón tay Vân Thù, tốc độ không suy suyển, xỉa thẳng đến ngực cậu bé. Truyện "Côn Luân "
Vân Thù thi triển Tam tam bộ vội vã thoái lui, nhưng người kia cũng tiếp tục chạy lùi nhanh như gió. Bất kể cậu bé biến hóa ra sao, năm ngón tay của người áo đen vẫn đều đặn ép dần đến từng tấc, từng tấc một. Khi Vân Thù lùi tới bước thứ mười cũng là lúc bị trảo đối phương chụp vào ngực. Nguy cấp quá, cậu thét lên một tiếng thật to, tung chân phải đá lên thắt lưng người áo đen, thực không ngờ vừa đá là trúng liền. Cậu bé mừng rỡ, song lập tức nhận ra chỗ chạm chân đang mềm nhũn đi, như thể chìm lút vào một đống bông. Cậu còn chưa hiểu đầu cua tai nheo ra sao, người áo đen lại hừ khẽ, da thịt ông ta thình lình đàn hồi, lún chỗ này nảy chỗ kia, nhanh khôn tả. Vân Thù chỉ kịp nghe thấy một tiếng rắc, rồi cảm giác đau nhói chạy lan từ bẹn, chắc hẳn đùi phải đột ngột bật ngược nên đã bị chấn gãy rồi.
Cậu kêu lên thảng thốt, giật lui ra sau. Người áo đen nhoài tay theo, tóm lấy ngực áo cậu, bỗng dưng ngơ ngẩn, lẩm bẩm nói:
- Ngươi chỉ học được chút màu mè bên ngoài thế thôi hử? – Giọng nói thoáng vẻ bất ngờ, rồi ông ta vụt lăng tay, quẳng Vân Thù xuống đất, thét:
- Thế còn Tam tài Quy nguyên chưởng đâu?
Vân Thù ngã chúi xuống bùn, mặt mũi lấm bẩn, máu chảy ròng ròng, nghe vậy nhịn đau đáp:
- Tam tài Quy nguyên chưởng là cái gì? Tôi không biết.
Người kia cười nhạt:
- Thằng này bộ dạng gian giảo, cùng một hạng như lão Cùng nho kia. Hừ, ngươi nói Vân Vạn Trình là cha ngươi, phải không?
Thoạt tiên giọng ông ta rất kích động, nhưng nói được mấy câu lại khôi phục âm điệu lành lạnh đều đều, nghe không biết là vui hay giận. Thêm vào đó ông ta vẫn một mực quay lưng lại cậu bé, Vân Thù chưa nhìn rõ nhân dạng lần nào, buột miệng hỏi:
- Ông là ai? Có thù với cha tôi hay sao?
Người áo đen hừ mũi, bỗng phá lên cười ha hả. Vân Thù nghe giọng cười ồ ạt như nước triều, màng nhĩ chấn động, một luồng máu nóng phụt lên đỉnh đầu như muốn phá óc lao ra. Ngạt thở. Rồi tiếng cười lại thình lình tắt ngấm, người áo đen ngửa đầu nhìn trời, lạnh lùng nói:
- Ngươi hỏi ta là ai ư? Hà, lão phu lâu ngày không xuất thế, xem ra thiên hạ đã quên ta rồi! – Đoạn lại hừ mũi, cao giọng hỏi – Hôm nay Vân Vạn Trình tổ chức đại hội ở Bách Trượng Bình phải không?
Vân Thù nhấm nhẳn:
- Phải thì sao?
Người kia nói:
- Hay lắm! Cái lão Cùng nho dạy ngươi võ công chắc cũng đến Bách Trượng Bình đấy nhỉ?
Vân Thù sực hiểu, nghĩ bụng:
- Lão cứ một điều Cùng nho hai điều Cùng nho, lại hỏi bộ pháp của ta, phải chăng người lão đang tìm chính là Phượng Tường tiên sinh? Võ công lão cao cường như thế, không chắc tiên sinh thắng được. Làm người phải trọng chữ Nghĩa, Phượng Tường tiên sinh với ta tâm đầu ý hợp, Vân Thù dẫu chỉ còn một hơi thở, cũng quyết không làm những việc lỗi đạo bạn bè. Tên độc ác này càng ép ta khai nơi ở của tiên sinh, ta càng không thốt ra nửa chữ. – nghĩ vậy, cậu nói to – Võ công của ta đều do phụ thân dạy, không liên quan gì đến người khác, cũng chẳng có Cùng nho nào ở Bách Trượng Bình cả.
Người kia nổi giận, định bụng tra khảo, song tính tình cao ngạo, không muốn dùng phương pháp hạ lưu đó, thầm nghĩ: “Thằng ranh cứ lải nhải Phượng Tường tiên sinh, lại khăng khăng rằng ngoài Vân Vạn Trình ra không còn ai dạy công phu cho nó. Chỉ toàn điều dối trá, chẳng câu nào đáng tin. Hừ, ngươi bảo lão Cùng nho không ở Bách Trượng Bình, vậy sự thực chắc là ngược lại rồi. Nhưng mà, võ công của lão già ấy rất cao, xung quanh còn nanh vuốt của bao nhiêu tên người Tống nữa, nếu ta đường đột xông vào thì hung hiểm quá. Hừ, nhưng thế thì sao? Dẫu là đầm rồng hang hổ, lão phu cũng không coi vào đâu.” Nghĩ rồi cười khẩy: “Được, lão phu sẽ đi lật tung cái của khỉ Bách Trượng Bình ấy lên.”
Vân Thù tức ngực, tự nhủ nếu để liên lụy đến cha thì thực là bất hiếu, nhưng nếu nói ra nơi hạ lạc của Phượng Tường tiên sinh thì bất nghĩa rõ ràng. Cậu còn đương bối rối chưa quyết, bỗng một làn gió tanh cực kỳ khó ngửi xộc vào mũi, kế đó là cảm giác lạ lùng sởn gai ốc chạy lan xuống từ đỉnh đầu, đọng lại ở thắt lưng; cuối cùng là cơn lạnh rờn rợn bò lên dọc cột sống. Vân Thù cảm thấy mỗi tấc da đều run rẩy tê dại, nhưng khốn nỗi huyệt Đản trung đã bị khống chế, không làm sao quay đầu nhìn được, chỉ biết cơn gió tanh càng lúc càng nồng, rồi luồng khí nóng dày nặng thốc từng đợt vào tai. Cậu bé không nén được nỗi sợ hãi, lệ hoen đầy mi hòa với máu chảy ra từ mũi và miệng, rỏ xuống đất.
Hết chương 9
Chú thích:
13961397 Tuyết múa phượng bay.
14001401 Tức Tương Dương.
14041405 Bích Tử và Tị Tử phát âm tiếng Hán từa tựa nhau, Bích là màu xanh ngọc. Tị là cái mũi. Đạo sĩ nghe nhầm.
14081409 Suối, suối, suối.
14121413 Bài thơ này trích trong Tây Hồ Du lãm chí. Tác giả là Quán Vân Thạch, người Tiền Đường. Truyện kể lúc uống rượu ông thường có hứng làm thơ. Một hôm, mấy nhân sĩ cùng ngoạn cảnh, uống rượu ngâm thơ, muốn lấy Tuyền (suối) đặt vận để làm một bài. Ai đó ngâm được mấy chữ Tuyền, tuyền, tuyền rồi tắc. Chợt có người chống gậy tới, nghe vậy ứng khẩu ngâm rằng: “Tuyền, tuyền, tuyền, Bính xuất cá cá trân châu viên, Ngọc phủ phách xuất ngoan thạch tủy, Kim câu đáp xuất lão long diên.” Mọi người nói: “Ngài chắc chắn là Quán công chứ không sai.” Quán Vân Thạch bèn đọc tiếp: “Nhiên nhiên nhiên.” (Tất nhiên rồi!). Sau đó cả bọn mời rượu, họ Quán uống say rồi đi. Tích này về sau được thuật lại trong Từ uyển tụy biên, do Phùng Kim Bá thời nhà Thanh soạn.
Dịch nghĩa tạm: Suối suối suối, Tuôn ra hạt nào hạt nấy như trân châu, Rìu ngọc bửa đá cứng, Câu vàng múc dãi rồng.
14181419 Ngày nay Ngưu Bách Vạn được dùng như một danh từ chỉ hạng đại gia, nhà giàu. Ở đây có lẽ chỉ riêng vào một cá nhân nào đó. Tôi sẽ kiểm chứng nếu còn các đoạn liên quan về sau.
14221423 Bài thơ Dạ thướng Thụ Hàng thành văn địch (Đêm lên núi Thụ Hàng nghe tiếng sáo) của Lý Ích đời Đường. Bản dịch thơ trên là của Phụng Hà.
Nguyên văn Hán Việt:
Hồi Nhạc phong tiền sa tự tuyết
Thụ Hàng thành ngoại nguyệt như sương
Bất tri hà xứ xuy lô địch
Nhất dạ chinh nhân tận vọng hương
Dịch nghĩa:
Cát ở trước ngọn Hồi Nhạc trông như tuyết
Ánh trăng ngoài thành Thụ Hàng như sương
Không biết ai thổi sáo sậy từ đâu
Làm cho lữ khách cả đêm nhớ nhà
14581459 Tái Bắc nằm ở phía bắc Trường Thành, gồm khu tự trị Nội Mông Cổ, khu tự trị người Hồi Ninh Hạ và tỉnh Cam Túc ngày nay.