Chương 31

Đàn Hương Hình

Sáng tinh mơ, quan huyện đến phủ Lai Châu. Cổng thành đóng, cầu treo kéo lên, không một bóng lính gác. Gà gáy ran ở các hộ nông dân. Hơi ẩm thấp đẫm cây cỏ. Lông mày lông mi Xuân Sinh và Lưu

Phác bám đầy băng, mặt mày đen nhẻm gió bụi đường trường. Ông nghĩ, chắc mặt mũi ông cũng vậy. Ông muốn để nguyên dáng vẻ phong trần này mà gặp

quan tri phủ, mong lưu lại một ấn tượng tốt đẹp ở ông ta. Ông nhớ bên

ngoài cổng thành có cây cầu đá, nhưng nay nó đã bị dỡ bỏ, thay vào đó là chiếc cầu treo, chắc để đối phó với phong trào Nghĩa hòa đoàn đang sôi

sục. Quan huyện cho rằng không cần phải đến như vậy, xưa nay ông không

tin nông dân dám tạo phản, trừ ngày hôm sau họ chết đói thì không kể.

Lúc mặt trời mọc thì cổng thành mở, cầu treo

ken két hạ xuống. Họ thông báo cho lính gác cổng, rồi cưỡi ngựa cưỡi la

vào trong thành, cá sắt nện trên mặt đường đá ròn tan. Đường phố rất

vắng, chỉ một số ít người dậy sớm múc nước bên giướng. Miệng giếng đầy

hơi nước, lan can bên bờ giếng băng bám trắng tinh. Aùnh nắng màu hồng,

những chỗ da thịt bị hở ngứa ngáy. Họ nghe thấy tiếng loảng xoảng vui

tai của móc sắt đòn gánh chạm vào quai thùng. Những người lấy nước nhìn

họ bằng cặp mắt kinh ngạc.

Phố nhỏ đối diện với phủ đường có một quán ăn

nhỏ, chủ yếu là bán thắng cố. Một chảo lớn kê ngay trước cửa, người phụ

nữ trắng trẻo, tay cầm gáo có cán dài đang khuất thắng cố sôi sùng sục,

mùi thịt bò, mùi thảo quả thơm điếc mũi. Họ đến trước cửa quán thì xuống ngựa, xuống la. Quan huyện vừa chạm đất, chân đã nhũn ra. Xuân Sinh và

Lưu Phác thì loạng choạng. Hai người dìu quan huyện ngồi xuống ghế đẩu

bên bếp. Đít to mà ghế nhỏ nên quan huyện bị chổng vó. Chiếc mũ quan

trên đầu không chịu yên, lăn ra chỗ nước bẩn. Xuân Sinh và Lưu Phác vội

chạy tới đỡ quan huyện dậy, mặt thuỗn ra vì không tròn chức trách. Quan

huyện lưng và bím tóc đều vấy bẩn. Sáng ra đã bị ngã, rơi mũ trên đầu,

là điềm bất thường nghiêm trọng. Quan huyện rất buồn, toan mắng hai tùy

tùng một trận, nhưng thấy vẻ sợ sệt của họ, ông lại thôi.

Xuân Sinh và Lưu Phác cố nhỏm dậy bằng cặp chân tê dại vì ngồi lâu trên yên, đỡ quan huyện đứng dậy. người đàn bà vội

bỏ gáo xuống, chạy ra chỗ mũ rơi, dùng vạt áo lau lấy lau để những chỗ

bẩn trên mũ rồi đưa trả quan huyện, ngỏ ý xin lỗi:

- Xin lỗi ông lớn.

Giọng trong và ấm, quan huyện cảm

thấy mát dạ, đón lầy chiếc mũ, đội lên đầu. Thoáng cái đã nhìn thấy

người đàn bà có cái nốt ruồi duyên bằng hạt đậu trên mép. Lưu Phác dùng

tay nải chùi bím tóc cho quan huyện, nó bẩn như cái đuôi con bò bị ỉa

chảy. Xuân Sinh trợn mắt mắng người đàn bà:

- Nhà chị mù hay sao mà thấy ông lớn lại không bê chiếc ghế tựa đến?

Quan huyện chấm dứt ngay sự vô lý của Xuân

Sinh, đồng thời xin lỗi người đàn bà. Người đàn bà mặt đỏ bừng, vội vào

trong nhà bê ra một chiếc ghế tựa dây đầy dầu mỡ, đặt phía sau quan

huyện.

Quan huyện ngồi lên ghế, cảm thấy gân cốt trên

người, không có chỗ nào không đau. Cái vật giữa hai chân, vừa lạnh vừa

tê cứng, bắp chân nóng như chèm lửa. Trái tim ông cảm động sâu sắc với

chính ông đã vì dân mà dầu dãi phong sương thâu đêm suốt sáng. Ông cảm

thấy, ông có một tinh thần cao thượng bàng bạc khắp không gian, y như

mùi thơm của chảo thắng cố trước mặt. Thân thể ông như một củ cải vĩ đại phơi dưới nắng, vỏ đã bắt đầu thối rữa, chảy nước vàng. Đó là một quá

trình cực kỳ đau khổ và cũng vô cùng hạnh phúc. Mắt quan huyện rỉ ra hai giọt lệ đặc quánh, cảnh vật nhòe đi. Ông hình như nhìn thấy trước mặt

ông là những người dân Đông Bắc Cao Mật đông như kiến. Họ ngẩng mặt lên, cảm ơn trời biển của ông. Những lời thốt ra từ cửa miệng họ, thật thà

chất phác nhưng khiến ông cảm động sâu sắc:

Ông lớn Thanh Thiên… ôi, ông lớn Thanh Thiên…

Người đàn bà đặt trước mặt mỗi người một cái

bát màu đen, trong bát có một nhúm gia vị cũng màu đen, rồi cắt vào mỗi

bát một cái bánh tráng, một chút rau thơm các loại, chút tương ớt. Chị

ta cứ thoăn thoắt, không cần hỏi cái gì nên cái gì đừng, cứ như là đối

với khách quen của nhà hàng. Quan huyện nhìn khuôn mặt tròn vành vạnh

trắng trẻo của người đàn bà, chợt nhớ tới quan hệ khăng khít của ông với người đàn bà bán thịt chó, mà cảm thấy ấm lòng. Người đàn bà khuấy đều

chảo thắng cố, những tim gan mề phổi lòng ruột nhào lộn trong chảo, tỏa

mùi thơm phức, khiến quan huyện thèm rỏ dãi. Một gáo đầy những cái đổ

vào bát ông huyện, tiếp theo là một gáo chỉ toàn nước. Người đàn bà cúi

xuống rắc hạt tiêu vào bát, nói khẽ: “Nhiều hồ tiêu một chút để trục

phong hàn”, quan huyện cảm động gật đầu, cầm môi khuấy đều bát thắng cố, rồi ghé miệng húp một ngụm to. Lập tức trong miệng ông như có con chuột nóng bỏng nhào lộn, nhổ đi thì thô tục, ngậm ở miệng thì sợ bỏng, đành

cắn răng mà nuốt. Quan huyện bụng dạ nóng ran, nước mắt nước mũi chảy

giàn giụa.

Sau khi vài chục ngụm thắng cố đã vào bụng, mồ

hôi mẹ mồ hôi con thi nhau bò ra. Cái gáo của người đàn bà vẫn khuấy đều trong chảo, chốc chốc lại thêm, khi thì cái khi thì nước vào bát mọi

người. Aên nhanh thêm nhanh, ăm chậm thêm chậm. Cuối cùng, quan huyện

vái người đàn bà một vái, nói: “Đủ rồi, bà chị, đừng thêm nữa!”. Người

đàn bà mỉm cười: “Ông lớn cứ dùng thoải mái!”.

Aên xong bát thắng cố, ông cảm thấy sức lực đã

hồi phục, cái chân hãy còn đau nhưng đã có cảm giác thực. Ông thấy ở

chân tường phía sau lưng ông, có hơn chục người đang dòm ngó, họ đến xem hay họ đến ăn nhưng sợ cái mũ quan, nên không dám vào. Ông bảo Xuân

Sinh trả tiền, người đàn bà kiên quyết không nhận, còn nói, ông lớn

không chê quán nghèo là vinh dự cho tiểu nữ rồi, đâu dám thu tiền. Suy

nghĩ một thoáng, ông lấy miếng ngọc bội từ trong hầu bao, nói: “Chị Hai, cảm ơn thịnh tình của chị, có miếng ngọc bội này chị cầm cho anh Hai

làm kỷ niệm.” Người đàn bà mặt đỏ bừng, hình như vẫn không muốn nhận.

Quan huyện đưa miếng ngọc bội cho Xuân Sinh. Xuân Sinh dúi vào tay người đàn bà: Ông lớn cho, chị khách khí làm gì! Người đàn bà cầm lấy miếng

ngọc bội, sững sờ không nói được gì. Quan huyện sửa sang đôi chút rồi

nhắm hướng phủ đường đi tới, ông biết sau lưng có rất nhiều ánh mắt dõi

theo. Thậm chí ông còn nghĩ rằng, sau này, sự tích ông huyện Cao Mật ăn

thắng cố sẽ trở thành giai thoại, người ta sẽ thêm dấm thêm ớt truyền

tụng cho nhau, chưa từng sẽ đưa vào Mịeu Xoang, thế hệ này kế tiếp thế

hệ kia mà diễn! Ông còn nghĩ, nếu nhưng trong tay có giấy bút, ông sẽ đề tên cái quán ăn của người đàn bà đã đem lại niềm vui cho ông, hoặc ông

làm một bài thơ, và với thư pháp phóng túng của ông, quán sẽ đông khách. Bước trên phố phủ rộng lớn, quan huyện Cao Mật ngẩng cao đầu, dáng đi

đường bệ của một mệnh quan triều đình, chân bước mà lòng ông tơ tưởng Mi Nương mặt hoa da phấn, tơ tưởng luôn cả người đàn bà cao cao trắng trẻo bán thắng cố, tất nhiên, tơ tưởng cả vợ ông. Ông cảm thấy ba người đàn

bà, một lạnh như băng, một rực lửa, một ấm áp như chăn bông.

Quan huyện được quan phủ tiếp rất nhanh. Nơi

tiếp là thư phòng của quan phủ, trên tường treo bức tranh vẽ cây trúc

bằng mực nho của họa sĩ có tên tuổi Trịnh Ban Kiều tặng tri huyện Tăng

Nhiệm Duy. Quan phủ mắt thâm quầng, con ngươi đỏ dòng đọc, bộ điệu cực

kỳ mệt mỏi, ngáp sái cả quai hàm. Quan huyện thuật lại cặn kẽ vụ thảm

sát kinh hồn ở Đông Bắc Cao Mật, nguyên nhân và hậu quả, tỏ ý căm giận

người Đức, đồng tình với nhân dân Cao Mật. Nghe xong, quan phủ suy nghĩ

rất lâu, câu đầu tiên khi mở miệng là:

- Ông huyện Cao Mật, bắt được Tôn Bính chưa?

Quan huyện sững người, đáp:

- Bẩm đại nhân, Tôn Bính bỏ trốn, chưa bắt được.

Quan phủ nhìn chằm chằm vào mặt quan huyện, ánh mắt như mũi dùi, khiến quan huyện cảm thấy phấp phỏng. Quan phủ cười

nhạt hai ba tiếng, hỏi khẽ:

- Niên huynh, nghe nói ông với con gái Tôn Bính… ha ha ha… nàng có gì mà ông mê đến như thế?

Quan huyện ấp úng, toát mồ hôi lạnh.

- Sao không trả lời? – Quan phủ đổi sắc mặt.

- Bẩm đại nhân, giữa ti chức với con gái Tôn Bính không có chuyện bậy bạ… chả là ti chức thích ăn thịt chó của cô ấy…

- Tiền niên huynh – Nét mặt quan phủ trở lại

hòa nhã thân thiện, ông ta lên giọng dạy đời – Ta và ông đều ăn bổng lộc nhà nước, chịu long ân của của Hoàng Thái Hậu, Hoàng thượng, phải hết

lòng vì công việc, mới không phải với lương tâm. Nếu như vì tình riêng

mà bỏ qua luật pháp, đùa với chức phận, thì…

- Ti chức đâu dám…

- Chết mấy thằng ương bướng thì có

gì đáng kể – Quan phủ thong thả nói tiếp – Nếu người Đức cho qua chuyện

này, không gây khó dễ, thì chưa hẳn đã là tốt!

- Nhưng còn hai mươi bảy sinh mạng, thưa đại nhân – Quan huyện nói – Nói với dân thế nào bây giờ?

- Còn nói với năng cái gì? – Quan phủ đập bàn – Chẳng lẽ bắt người Đức bồi thường tính mạng?

- Phải làm rõ đúng sai – Quan huyện nói – Nếu không, ti chức không còn mặt mũi nào trông thấy dân Cao Mật!

Quan phủ cười nhạt:

- Ta không có cái đúng sai nào đưa cho ông, mà

dù ông có đi hỏi Đàm Đạo Đài, đi mà hỏi Viên Tuần phủ, đi mà hỏi Hoàng

thượng Hoàng Thái Hậu, thì cũng chẳng có cái nào đúng sai nào đưa cho

ông.

- Hai mươi bảy sinh mạng kia mà, thưa đại nhân!

- Nếu ông hết lòng vì công việc, thì ông đã tóm luôn Tôn Bính giao cho người Đức, thì người Đức chẳng phải điều quân,

chẳng xảy ra chuyện hai mươi bảy nhân mạng – Quan phủ vỗ vỗ chồng giấy

tờ trên bàn, cười nhạt – Tiền niên huynh, có người bảo, ông báo trước

nên Tôn Bính mới chạy thoát, chuyện này mà đến tai Viên đại nhân thì rất bất lợi cho niên huynh.

Quan huyện mồ hôi ướt đầm.

- Do vậy, công việc bức thiết hiện nay đối với

Tiền niên huynh không phải là khiếu kiện hộ dân, mà là cấp tốc bắt ngay

Tôn Bính quy án – Quan phủ nói – Bắt được Tôn Bính rồi, thì đối trên đối dưới đối nội đối ngoại đều dễ, không bắt được Tôn Bính thì nói với ai

cũng khó!

- Ti chức hiểu…

- Niên huynh – Quan phủ mỉm cười hỏi – Mi Nương ngon lành cỡ nào mà tim ông rung động đến thế? – Quan phủ đùa – Không

phải cô ta có tới bốn bú hai đồ chơi chứ?

- Đại nhân cứ đùa…

- Nghe nói trên đường đi ông vừa ngã rơi cả mũ

phải không? – Quan phủ nhìn đỉnh đầu quan huyện, hỏi một câu ý tứ sâu

xa. Không đợi quan huyện trả lời, ông ta cầm chén trà gõ trôn chén vào

cạnh dĩa một cái, đứng dậy bảo quan huyện – Niên huynh phải hết sức cẩn

thận, rớt mũ là chuyện nhỏ, rơi đầu mới là chuyện lớn!

Sau khi về Cao Mật, quan huyện bị ốm. Thoạt

tiên là đầu váng mắt hoa, thượng thổ hạ tả, sau đó là sốt cao, mê sảng.

Tri huyện phu nhân một mặt trông bệnh bốc thuốc, một mặt bày hương án,

đêm đêm khấn cái cầu cho quan huyện tai qua nạn khỏi. Không hiểu do

thuốc hay do thần linh phù hộ, quan huyện xì mũi ra nửa bát huyết đen

tanh tưởi, sau đó sốt lui, tả cũng dừng. Lúc này đã là trung tuần tháng

Hai, điện báo từ tỉnh, đạo, phủ về việc tróc nã Tôn Bính như bươm bướm,

các thơ lại nháo nhác như đê vỡ, còn ông huyện thì mê mê tỉnh tỉnh, cơm

chẳng buồn ăn, cứ như thế này thì nói gì đến chuyện thăng đường nghị sự, ngay cả tính mệnh cũng khó đảm bảo. Phu nhân đích thân vào bếp, trổ hết tài nấu nướng, cũng không làm sao cho quan huyện thấy ngon miệng.

Trước tết thanh minh mười mấy ngày, buổi chiều, phu nhân cho gọi Xuân Sinh vào Đông Hoa sảnh để hỏi.

Xuân Sinh thấp thỏm bước vào phòng, thoáng thấy phu nhân cau đôi mày liễu, sắc mặt hầm hầm, ngồi ngay ngắn trên ghế dựa như một pho tượng, liền quì sụp, nói:

- Phu nhân cho gọi tiểu nhân, chẳng hay có điều gì sai bảo?

- Ngươi đã làm một việc tốt đấy! – Phu nhân lạnh lùng nói.

- Tiểu nhân có làm gì đâu ạ!

- Ông lớn đã đi lại với con Tôn Mi

Nương như thế nào? – Phu nhân nghiêm giọng hỏi – Có phải cái đồ khốn nạn nhà ngươi dắt mối không?

- Bẩm phu nhân, quả thật oan cho tiểu nhân –

Xuân Sinh vội phân trần - Tiểu nhân chỉ như con chó bên cạnh đại nhân,

đại nhân chỉ đâu cắn đấy.

- Xuân Sinh to gan! Lại còn chống chế - Phu nhân nổi giận – Ông lớn bị bọn bay dụ dỗ làm cho hư hỏng rồi!

- Quả tình oan cho tiểu nhân…

- Thằng nhóc Xuân Sinh, thân danh làm tay chân

thân tín của ông lớn, đã không khuyên giải ông lớn dẹp bỏ ham muốn, tận

tụy việc quan, trái lại, dẫn dắt ông lớn thông gian với dân nữ, vậy là

đại ác, lẽ ra phải đánh què hai chân ngươi, nhưng niệm tình ngươi hầu hạ ông lớn đã mấy năm, nên ta tha cho lần này. Từ nay về sau, chỗ ông lớn

có chuyện gì phải báo ngay cho ta, nếu không, tội cũ tội mới ta sẽ cho

một trận!

- Tạ ơn phu nhân không đánh, Xuân Sinh không dám thế nữa ạ. – Xuân Sinh dập đầu tạ ơn, sợ bĩnh cả ra quần.

- Ngươi đến hiệu thịt chó gọi con Tôn Mi Nương đến đây cho ta - Phu nhân lạnh lùng nói – Ta có chuyện cần nói với nó.

- Bẩm phu nhân – Xuân Sinh bạo dạn hẳn lên – Thực ra, Tôn Mi Nương rất tốt bụng…

- Lắm mồm! - Phu nhân đe – Chuyện này không được cho ông lớn biết. nếu ngươi dám rỉ tai ông lớn…

- Tiểu nhân không dám ạ…

Tin quan huyện ốm liệt giường đến tai Mi Nương. Ruột gan như lửa

đốt, nàng quên ăn quên ngủ, thậm chí còn buồn hơn khi nghe tin mẹ kế và

hai em ngộ nạn. Đã mấy lần nàng xách hoàng tửu, thịt chó đến nha môn,

nhưng bọn lính gác không cho vào. Ngày thường vẫn đàn đúm, vậy mà tên

nào cũng trở mặt, như không hề quen biết, chẳng khác huyện đã thay chủ

mới, cấm nàng vào huyện.

Mi Nương hồn vía lên mây, tâm thần bất định,

ngày nào cũng xách rượu và thịt chó lượn trước cổng huyện. Dân phố chỉ

trỏ bàn tán về nàng như bàn về một con quái vật. Nàng đã đi lễ tất cả

đình chùa miếu mạo trong huyện để cầu cho sức khỏe của ông lớn, ngay

miếu Bát Lạp chẳng liên quan gì đến tật bệnh, nàng cũng đến thắp hương.

Lúc nàng từ miếu Bát Lạp ra về, một đám trẻ xông tới hát bài ca dao mà

nàng đoán chắc rằng do người lớn sáng tác:

Cao Mật Huyện Lệnh, tương tư thành bệnh, ăn uống không ngon, khó toàn tính mệnh, miệng nôn ra huyết, trôn tháo ra tiết!

Cao Mật Huyện Lệnh, râu dài khác thường, ngày đêm tưởng nhớ, cô nàng Mi Nương! Hai con người ấy, thành đôi uyên ương.

Một đôi uyên ương, không được đoàn tụ, con đực ủ rũ, con gái khóc ròng. Xin được cùng khóc, phu nhân nói không!

Hình như quan huyện có ý nhắn tin qua miệng bọn trẻ, khiến trong lòng Mi Nương nổi cơn giông bão. Nước mắt tràn mi

khiến nàng được tin ông ốm nặng qua lời bọn trẻ. Nàng nhắc ngàn lần vạn

lần tên ông, tưởng tượng khuôn mặt vàng võ của ông cho ốm đau. Người ơi, trái tim nàng đang vẫy gọi, người vì em mà mang bệnh, nếu chẳng may có

mệnh hệ nào, em còn sống làm sao?… Em không đành lòng, dù trời sập em

cũng phải uống với người chung hoàng tửu cuối cùng, ăn với người một

miếng thịt chó cuối cùng. Dù em biết người không là người của em, nhưng

trái tim em đã coi người là người của em, gắn số phận của em với số phận của người. Em cũng biết người và em không giống nhau, những gì người

nghĩ và những gì em nghĩ cách nhau mười vạn tám nghìn dặm; em cũng biết, chưa chắc người đã yêu em thật sự, em chẳng qua chỉ là người đàn bà

xuất hiện trước mắt người khi người cần đàn bà nhất. Em biết người yêu

là yêu tấm thân em, ưa vẻ phong tình của em, khi em về già, người sẽ

quẳng em không thương tiếc! Em cũng biết, râu cha em chính là người vặt, dù người chối rằng không. Người hủy cuộc đời cha em, cũng là hủy kịch

hát Miêu Xoang! Em biết, người đang do dự trong việc bắt hay không cha

em. Nếu Viên đại nhân trên tỉnh bảo đảm, rằng bắt Tôn Bính người sẽ được phong quan tấn tước, người sẽ bắt Tôn Bính. Nếu nhà vua lệnh cho người

giết em, người sẽ giết; em cũng biết rằng, trước khi giết em người sẽ

xót xa, nhưng người vẫn giết bằng dao… Dù rằng em biết rất nhiều về

người như thế, gần như em biết tất cả, em biết mối tình si của em kết

cục sẽ bi thảm, nhưng em vẫn yêu người, si mê người. Thực ra, người cũng là người đàn ông khi em cần đàn ông nhất. em yêu là yêu dung mạo của

người, học vấn của người, mà không phải con tim của người. Em không hiểu con tim của người. Em hà tất phải hiểu con tim của người để làm gì? Em

chỉ là một dân nữ có những cuộc tình thủng trống long chiêng với người

đàn ông như người là đủ. Yêu người đến nỗi quên cả cha mẹ đẻ đang trong

cơn hoạn nạn nhà tan cửa nát; trong tim trong thịt trong xương em đâu

cũng có người. Người biết không, em cũng ốm đấy, ốm từ hôm gặp người, ốm nặng như người, chẳng nhẹ hơn chút nào.

Nhấn Mở Bình Luận