Rước Em Về Dinh Bằng Vụ Án
Hôm nay là 30 Tết, là đêm nhà nhà đều đoàn viên, không biết vì sao một căn nhà cũ dưới quê lại xảy ra hỏa hoạn. Ngọn lửa hung dữ nuốt chửng lấy cả căn nhà, ở khu vực phòng khách đã bùng cháy dữ dội, cột nhà cũng tí tách tiếng lửa, mảnh vỡ liên tục rơi xuống. Mấy chục người nằm ở chân bàn trong phòng khách, có nam, có nữ, có già, có trẻ, họ đều nhắm mắt cam chịu, để mặc ngọn lửa đang nuốt trọn quần áo, đầu tóc và tay chân của mình.
Duy chỉ có hai đứa bé vẫn còn ý thức, bé trai bị cột nhà đè lên hai chân, không thể nhúc nhích được, cổ cậu bé còn có một quả bom mini, màn hình hiển thị thời gian sắp phát nổ là một phút ba mươi giây. Một bé gái khác đã bị lửa thiêu rụi nửa mái tóc, cô bé bật khóc nức nở, kéo hai chân bé trai ra.
“Trừng, em mau chạy đi, đừng lo cho anh, em mau chạy đi, nhanh lên!” Bé trai khóc lóc cầu xin.
Cho dù ngọn lửa đang cháy dữ dội, bủa vây lấy hai người, cô bé vẫn không chịu bỏ đi: “Anh, em không đi, nếu đi chúng ta cùng đi, nếu không em thà chết ở đây với mọi người còn hơn.”
Quả bom trên cổ bé trai liên tục vang lên những tiếng “tích tắc”, cho dù không nhìn được, cậu bé cũng biết thời gian không còn nhiều nữa.
“Mau chạy đi, nhanh lên!” Giọng điệu cầu xin biến thành gào thét, cậu bé dùng hết sức lực đẩy cô bé ra. Cô bé ngã ra sau, một chiếc cột đổ xuống giữa hai người, tựa như ranh giới giữa sống và chết.
Cô gái hoảng sợ đứng dậy, định lao về phía cậu bé lần nữa. Gương mặt cậu bé méo mó trong biển lửa, đau khổ cầu xin: “Mau chạy đi! Mau chạy đi!”
Các cột khác tiếp tục đổ xuống, trần nhà đã thủng một lỗ lớn, ánh trăng bên ngoài len lỏi vào bên trong.
“Em mau chạy đi, chạy đi.” Giọng nói bi thương của cậu bé vang lên trong đêm đen.
Cô bé chần chừ trong giây lát, sau đó đau đớn quay người rời đi. Cô bé liếc nhìn mấy chữ viết bằng máu trên tường: Cogito ergo sum. Chỉ mấy chữ ngắn ngủi nhưng đã in sâu vào tâm trí cô. Cô vội vã chạy ra khỏi nhà, vừa chạy được năm phút, tiếng động đinh tai nhức óc đã vang lên, lực đẩy khiến cô bé bay ra xa mấy trăm mét.
“Tinh!” Thư Trừng bừng tỉnh khỏi ác mộng khi tiếng báo tin nhắn vang lên. Cô thở gấp, giơ tay lau mồ hôi đầm đìa trên trán, sau đó sờ lọ thuốc bên dưới gối, lấy hai viên ra bỏ vào miệng. Cô đảo mắt, nhìn máy tính trên bàn làm việc ở đối diện giường.
Cô vừa đứng dậy vừa xem đồng hồ, giờ là hai giờ sáng, muộn vậy rồi ai còn gửi email tới nữa?
Thư Trừng mở email ra, nhìn thấy người gửi là Abner. Cô hừ lạnh một tiếng, đúng là cái tên ngông cuồng, cô có thể chắc chắn đây là lần đầu tiên cô thấy cái tên này.
Từ trước tới nay, Thư Trừng luôn hãnh diện về trí nhớ siêu phàm của mình, cũng vì trí nhớ đó nên cô mới có thể trở thành tiến sĩ pháp y của đại học Bang Penn ở tuổi 23. Hơn nữa cô còn là học trò của pháp y hàng đầu FBI hiện nay, Jennifer Watts.
Ở nước ngoài, để trở thành một pháp y, bạn phải đáp ứng những quy định rất nghiêm ngặt. Tại Mỹ, muốn trở thành pháp y chính thức, có chứng minh nghề nghiệp, người đó bắt buộc phải học bốn năm khoa Công nghệ, tiếp đó là năm năm khoa Y, sau khi tốt nghiệp phải tới bệnh viện làm bác sĩ ít nhất bốn năm, rồi còn phải tới cục Pháp y thực tập một năm, cuối cùng mới được tới cục Pháp y xin giấy phép hành nghề. Tới khi được làm pháp y chính thức có lẽ đã bước vào tuổi trung niên, do vậy độ tuổi phổ biến của pháp y tại Mỹ là khoảng 38-45 tuổi, người trẻ như Thư Trừng ít tới đáng thương.
Có thể nói, Thư Trừng được coi là một ngoại lệ của ngành pháp y nước Mỹ, còn trẻ đã có thể làm pháp y độc lập, ngoài ra còn có thể đi theo Jennifer Watts tới hiện trường xử lý vụ án của FBI, đây là một may mắn rất lớn với người làm pháp y.
Thư Trừng không nghĩ nhiều nữa, cô mở email ra, mặt lập tức biến sắc. Trên màn hình máy tính hiển thị mấy chữ đỏ: “Cogito ergo sum”.
Thư Trừng đánh nhanh một dòng chữ: “Anh là ai?”
Chưa tới một phút sau, âm báo tin nhắn đã vang lên, Thư trừng mở email ra: “Nhà số 5, núi Thanh Sơn, quận Hải Sơn, thành phố C.”
___
Thư Trừng đặt váy máy bay về nước sớm nhất. Lúc này ở sảnh sân bay không có nhiều người lắm, cô đặt vali bên cạnh, lấy điện thoại ra soạn hai tin nhắn. Một tin nhắn để tạm biệt Jennifer Watts, nói lý do cô về nước, tin còn lại là gửi cho dì, báo cô sẽ về nhà. Gửi xong hai tin nhắn, cô tắt máy, cất điện thoại vào vali, sau đó kéo vali đi về phía check in.
Đã 13 năm kể từ vụ án hỏa hoạn năm đó, Thư Trừng đã mất đi bố mẹ và toàn bộ người thân, cũng may mẹ vẫn còn một cô em gái nữa, do vậy mợ đã nhận nuôi cô.
Nhà mợ có ba người, mợ là giáo viên cấp hai, cậu là giảng viên đại học, con trai mợ lớn hơn cô hai tuổi. Vì nhà không có con gái nên Thư Trừng đã được mọi người đối xử rất tốt, thậm chí còn cưng chiều cô hơn cả con trai ruột của họ, cô hoàn toàn không phải lo về vấn đề tiền bạc.
Thư Trừng đặt vé hạng thương gia, trong khoang không nhiều người lắm, khá yên tĩnh. Tới thành phố C sẽ mất bốn tiếng, vậy nên cô lấy bịt mắt ra rồi đeo lên, nhắm mắt dưỡng thần.
Cogito ergo sum, mấy chữ đó lại hiện lên trong đầu cô, kéo cô quay về 13 năm trước. Cảnh tượng đêm đó ùa về như một cơn ác mộng, ngọn lửa cháy dữ dội, thi thể của người nhà, vẻ mặt đau đớn của anh trai, mọi thứ tựa như một thước phim chiếu đi chiếu lại.
Chỉ một mình Thư Trừng sống sót trong vụ hỏa hoạn đêm Giao thừa đó. Do thời gian xảy ra vụ án đặc biệt, đương sự không kịp trở tay ứng phó, sáng ngày mùng 1 lại mưa to, nước mưa đã gần như xóa sạch hiện trường vụ án, nhân viên phụ trách vụ án không biết nên bắt đầu từ đâu, cuối cùng vụ án đã bị liệt thành án treo.
Thư Trừng nghĩ tới tin nhắn nhận được tối qua, hiện trường vụ án lặp đi lặp lại trong đầu cô, càng nghĩ lông mày cô càng nhíu chặt lại, hơi thở của cô cũng dần trở nên gấp gáp, hai tay nắm chặt lấy tay vịn.
Lúc này, phía sau vang lên tiếng náo động, người trong cả khoang đều nhìn về sau.
Một người phụ nữ tóc vàng, hơn bốn mươi tuổi ôm bụng, vẻ mặt đau đớn, hơi thở yếu ớt, cơ thể dần trượt xuống ghế. Cô gái người Trung Quốc bên cạnh sợ hãi, mặt tái nhợt: “Cô ơi, cô ơi, cô sao thế? Cô ơi…”
Rất nhanh sau đó đã có người gọi tiếp viên hàng không tới, nhưng tiếp viên không phải bác sĩ, điều cô ấy có thể làm là cố gắng để bệnh nhân nằm thoải mái hơn. Tiếp đó, giọng cầu cứu vang lên: “Trên máy bay có hành khách cần cấp cứu, xin hỏi ở đây có ai là bác sĩ không?”
Không một ai trả lời.
Thấy cô giáo của mình đã hôn mê, cô gái kia vô cùng hoảng loạn, nước mắt trực trào trong khóe mắt: “Xin mọi người đấy, hãy giúp tôi với, ai có thể giúp cô giáo của tôi không?”
“Đặt cô ấy xuống đất đi.” Một giọng phụ nữ lạnh nhạt vang lên.
Mọi người trong khoang đổ dồn ánh mắt về phía người nói.
Cô sinh viên ngẩng đầu lên nhìn cô gái vừa lên tiếng, đó là một cô gái có mái tóc ngắn, để mái bằng, trông còn khá trẻ, tay còn cầm một chiếc hộp nhỏ màu đen không hợp với tuổi.
“Cô, cô là bác sĩ sao?” Cô sinh viên nghi ngờ. Trông Thư Trừng chỉ khoảng mười bảy tuổi, nhưng đôi mắt của cô lại ánh lên vẻ lão luyện, lạnh lùng.
“Tôi là tiến sĩ pháp y đại học Bang Peen.”
Mọi người xì xào bàn tán, không ngờ cô gái còn trẻ như vậy đã là tiến sĩ pháp y.
Thư Trừng thường xuyên gặp phải chuyện nghi ngờ năng lực của mình khi mới vào làm cho FBI. Cô không giỏi ăn nói, cũng không muốn giải thích nhiều, khi đối diện với sự hoài nghi của người khác, cô luôn kiêu ngạo trả lời: Tôi là tiến sĩ pháp y đại học Bang Peen hoặc tôi là học trò của Jennifer Wattst. Về sau khi được FBI nhận vào làm, cô đã có thẻ nghề nghiệp, khi một mình tới hiện trường vụ án, cô cứ thế đưa thẻ ra, không nói gì nhiều.
Thư Trừng nhìn giảng viên tóc vàng đang thoi thóp: “Còn không mau xử lý là bà ấy sẽ gặp chuyện đấy.”
Cô sinh viên đứng dậy, hai người đàn ông trẻ ngồi bên cạnh lập tức ôm giảng viên đặt xuống đất. Cô gái kia và hai tiếp viên đứng bên cạnh giảng viên, Thư Trừng ngồi xuống cạnh bà.
Cô nhìn một tiếp viên hàng không: “Cô biết hô hấp nhân tạo không?”
Cô tiếp viên gật đầu, sau đó quỳ xuống, để đầu giảng viên nằm lên đầu gối mình, một tay kề sau gáy giảng viên, tay còn lại xoa trán cho bà ấy. Một tiếp viên khác phối hợp tiến hành hô hấp nhân tạo cho bà.
Thư Trừng kiểm tra mắt giảng viên, đồng tử của bà đã dần dãn ra. Cô lập tức mở hộp đồ bên cạnh, lấy đồ phẫu thuật bóng loáng ra trước mặt mọi người.
Ai nấy đều kinh ngạc, không một ai có thể mang một chiếc kim lên máy bay, tại sao cô gái trẻ tuổi này lại có thể mang cả hộp đồ phẫu thuật lên vậy?
Chẳng mấy chốc mọi người đã bị hành động thuần thục của cô gái này thu hút, ai cũng nhìn cô chằm chằm, muốn xem rốt cuộc cô gái này có bản lĩnh gì.
Thư Trừng lấy một hộp thủy tinh to bằng lòng bàn tay ra, trong hộp là một đôi găng tay cao su, cô đeo găng tay lên, lấy một cuộn vải màu đen ra, mấy chục cây kim nằm gọn bên trong.
Thư Trừng rút một cây kim ra, cắm chuẩn xác vào huyệt Nhân trung của giảng viên, cây kim thứ hai cắm vào huyệt Lao Cung ở lòng bàn tay. Cô cởi giày của giảng viên ra, sau đó cắm kim thứ ba, thứ tư vào huyệt Dũng Tuyền ở lòng bàn chân bà, cuối cùng cô đưa tay vào móc đồ bị nghẹn trong miệng giảng viên.
Chỉ một lát sau, sắc mặt giảng viên đã dần tốt hơn, gương mặt tái nhợt bắt đầu hồng hào trở lại.
Thư Trừng cầm đá tiếp viên đã chuẩn bị từ trước, đặt lên trán giảng viên, cô tháo găng tay, rút hết kim ra rồi đóng hộp lại: “Tìm sân bay gần đây nhất rồi hạ cánh, đưa bà ấy vào bệnh viện.”
Mọi người đứng xung quanh đều vui mừng, ai cũng nhìn cô gái bằng ánh mắt tán thưởng.
Thư Trừng làm như không nhìn thấy ánh mắt đó, cô lạnh nhạt cầm hộp đi về chỗ ngồi, sau đó quay người vào nhà vệ sinh.
Trong chương trình đào tạo pháp y không hề có môn giảng dạy thuật châm cứu, chính giáo sư Jennifer Watts đã đích thân dạy cho cô kỹ năng này. Cho dù hiện giờ bà đang là pháp y hàng đầu FBI, nhưng con đường pháp y của bà không suôn sẻ như Thư Trừng. Trước khi làm pháp y, bà đã từng thực tập trong bệnh viện, học được thuật châm cứu từ một bác sĩ người Mỹ gốc Hoa, do vậy khi Thư Trừng trở thành học trò của bà, vì cô cũng là người Trung Quốc nên bà đã dạy cho cô quốc túy của quê hương mình.