Thập Niên 60: Làm Giàu, Dạy Con
Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên
Chương 20: Bánh khoai lang chiên
Người trong thôn bận rộn bàn tán thế nào cũng chả liên quan gì đến nhà này, Lâm Thanh Hoà và ba đứa con bình yên có một giấc ngủ ngon.
Sáng sớm hôm sau, Lâm Thanh Hoà giặt quần áo xong trở về liền nấu cháo gạo kê.
Tụi nhỏ ba ngày tắm một lần, nhưng chân tay ngày nào cũng phải rửa.
Lâm Thanh Hoà chiên thịt muối cho ba đứa ăn. Thịt ướp muối không cần nêm nếm giá vị khác, làm nóng dầu, trực tiếp bỏ miếng thịt vào chiên là thơm nức mũi rồi.
Sau khi chín vớt thịt ra, tận dụng chỗ dầu còn trong chảo tráng thêm một quả trứng.
Bữa sáng rất đơn giản nhưng ba anh em đều cảm thấy mỹ mãn.
Chu Đại Oa mê mẩn món trứng tráng thơm ngào ngạt, vừa ăn vừa buôn chuyện: “ Mẹ, bên ngoài người ta nói mẹ không biết cách sống.”
Cái này nó nghe được khi chơi ngoài đường.
Lâm Thanh Hoà nhìn bọn trẻ, thấy Nhị Oa cũng gật đầu tỏ vẻ xác nhận nó cũng nghe được như thế, cô nhướng mày hỏi ngược lại chúng: “Các con cũng cảm thấy mẹ không biết cách sống?”
“Tất nhiên là không rồi.” Chu Đại Oa đáp dõng dạc.
Chu Nhị Oa cũng tham gia: “Sống như mẹ mới là sống đúng cách.”
“Ăn ngon.” Tiểu tham ăn Tam Oa phụ hoạ.
Lâm Thanh Hoà nói: “Bên ngoài họ muốn nói gì thì kệ họ đi, mẹ các con không tiêu bằng tiền của họ, cha các con kiếm tiền cho ta tiêu, tại sao lại không tiêu? Hơn nữa ta còn phải nuôi các con, chẳng lẽ người làm mẹ không được chăm con mình trắng trẻo mập mạp hay sao. Không tiêu tiền thì lấy gì cho ba thằng quỷ tham ăn này bỏ vào miệng đây?”
Chu Đại Oa giật giật khoé miệng, Chu Nhị Oa cười ngượng ngùng, chỉ có Chu Tam Oa không hiểu gì vẫn há to họng đợi mẹ đút ăn.
Lâm Thanh Hoà giục: “Ăn nhanh lên, ăn xong đi phơi bắp với bà nội, tới trưa mời bà nội qua đây ăn cơm.”
Chu Đại Oa hỏi: “Mẹ tìm bà nội có việc hả?”
Lâm Thanh Hoà không chối: “Ừ, có việc.”
Chu Đại Oa gật đầu: “Dạ, con biết rồi.”
Ăn xong bữa sáng, Chu Đại Oa chuồn ra ngoài nhanh như cơn gió, Lâm Thanh Hoà đút cho Tam Oa ăn no rồi đặt nó ở cửa chơi với Nhị Oa. Cho các con ăn xong cô mới ăn phần của mình, sau đó nhanh nhẹn dọn rửa chén đũa, rồi lại bắt đầu quét dọn nhà cửa.
Đối với vị nguyên chủ này, điều Lâm Thanh Hoà bất mãn chính là cô ấy sống quá mạnh mẽ và thực tế. Ngoài ra, Lâm Thanh Hoà khá hài lòng với một vài phương diện, ví dụ như sự sạch sẽ. Nguyên chủ giữ gìn nhà cửa rất sạch sẽ, đồ đạc được sắp xếp trật tự ngay ngắn, không bày bừa lộn xộn.
Lâm Thanh Hoà quét tước một lượt sạch sẽ khắp nhà từ trong ra ngoài, sau đó cô dọn tủ quần áo của nguyên chủ, đem tất cả ra phơi nắng.
Phải công nhận một điều quần áo của nguyên chủ rất đẹp. Trong tủ có vài bộ đều may bằng loại vải tốt nhất, lành lặn không một miếng vá. Thế mà nguyên chủ vẫn không hài lòng.
Dùng cách nói của Lâm Thanh Hoà đó là “Quần áo năm ngoái lỗi mốt rồi, không xứng để năm nay ta mặc tiếp!”
Vì thế năm nay nguyên chủ đã mua sẵn vải với bông để may quần áo mới cho mình, ba đứa con tự nhiên bị gạt sang một bên không chút khách khí.
Sự thật là nguyên chủ may rất nhiều quần áo nhưng mỗi năm đều mang về nhà mẹ đẻ một hoặc hai bộ cho chị em dâu. Chính vì thế trong tủ cô ấy chỉ còn vài bộ, ba bộ mùa hè, ba bộ mùa thu, một bộ cô đang mặc trên người, một bộ mới giặt, một bộ cất trong tủ, mùa đông có hai bộ, một bộ may năm ngoái, một bộ may năm kia. Năm nay cô ấy lên kế hoạch may bộ mới, rồi gửi bộ năm kia về nhà mẹ đẻ. Ngoài ra, còn tính đưa thêm cho bên đó vải dệt và bông mới tinh.
Tính ra nhà họ Lâm này nuôi được một người con gái như nguyên chủ quả thật không tốn cơm gạo.
Xin lỗi Lâm Gia nha, ngại quá, Lâm Thanh Hoà cô đã đến! Cô không thể hoang đường như nguyên chủ được, cô cũng chẳng có năng lực lo cho nhiều người như vậy, cái phải ưu tiên hàng đầu đó là ba đứa trẻ. Suy cho cùng đồng tiền mà nguyên chủ hay Lâm Thanh Hoà cô đang dùng là đồng tiền mà Chu Thanh Bách kiếm về bằng mồ hôi nước mắt.
Dọn xong ngăn tủ bên này, tới ngăn tủ đựng quần áo bọn trẻ. Quần áo ba đứa nhỏ… ít… tới đáng thương. Chúng đang mặc trên người một bộ quần áo mùa thu, bộ thứ hai hôm nay tắm rửa sẽ thay, sau đó…không có sau đó, hết rồi!
Trong ngăn tủ còn một bộ quần áo mùa đông năm ngoái Đại Oa mặc. Nhị Oa và Tam Oa không có một bộ nào. Mùa đông năm ngoái, hai anh em Nhị Oa và Tam Oa còn nhỏ chỉ nằm trên giường đất. Người mẹ này đúng là biết cách làm cho người ta chán ghét vô cùng cực!
Thêm chuyện thiếu củi, không đủ làm ấm hai cái giường đất, nguyên chủ bấm bụng buộc phải cho hai đứa ngủ trên giường của mình, vì cái tội đái dầm, hai thằng nhóc bị đánh đòn không chỉ một lần.
Tuy nhiên năm nay mọi thứ đã thay đổi, cả ba anh em đều được mặc quần áo mới. Lâm Thanh Hoà tính toán một lượt, cần chuẩn bị cho mỗi đứa hai bộ quần dài áo dài mặc bên trong nữa. Còn có quần áo mùa hè rách tả tơi rồi, cô không tính cho chúng nó mặc lại, quyết định may mới luôn.
Chợ đen bán một cây vải cotton chỉ có ba đồng. Không cần phiếu vải. Đây là cái giá rẻ bất ngờ.
Một cây vải may được vài bộ quần áo trẻ con.
Ngày mai nhất định phải rẽ vào chợ đen một chuyến mới được.
Việc nhà đã xong, liếc mắt thấy Nhị Oa cùng Tam Oa vẫn đang nghịch cát ở cửa, yên tâm rồi. Lâm Thanh Hoà trở về phòng mình chuẩn bị vài thứ. Từ trong không gian riêng cô lấy ra bút và giấy viết ra danh sách đồ vật ngày mai cần mua: Tôm khô, táo đỏ, than đá, lò than, chậu rửa chân, chậu rửa mặt, cốc tráng men mua hai cái mới về uống nước, cái cũ trong nhà dùng làm cốc đánh răng.
Một thứ cần thiết nữa trong mùa đông đó là phích nước, trong nhà có sẵn một cái Chu Thanh Bách mang về, tuy không đủ dùng nhưng miễn cưỡng thì vẫn được. Chất lượng cái phích này rất tốt, cũng may chỉ có một cái nên nguyên chủ luyến tiếc không mang về nhà mẹ đẻ. Tạm thời cứ thế đã, phích nước không phải thứ dễ mua trong thời điểm này.
Tiếp đến là sữa mạch nha, cô tính mua một lon cho ba anh em uống, à đúng rồi còn có kẹo sữa thỏ trắng nữa. Thời đại này kẹo sữa thỏ trắng rất nổi tiếng về chất lượng, vài viên kẹo là bằng một ly sữa bò rồi. Tất nhiên giá cả không hề rẻ, không thành vấn đề, nếu cô nhớ không lầm sắp tới cha tụi nhỏ về sẽ mang theo một khoản tiền tương đối lớn.
Ngoài ra, còn phải mua nấm.
Ở cung tiêu xã trên trấn không có nấm, đến nỗi mộc nhĩ, rong biển cũng chỉ mua được mỗi thứ nửa cân. Lần này đi lên huyện cô sẽ mua thêm hai loại này. Mùa đông không có nhiều rau củ tươi, đành dùng thực phẩm khô thay thế vậy.
Nếu thấy bí đỏ thì sẽ mua một ít.
Danh sách tương đối dài, cô kiểm tra lại một lần thấy đảm bảo không bỏ sót thứ gì, vật tư chuẩn bị cho mùa đông cần rất nhiều. Lần này đi một chuyến, cô tính mua một lần cho xong, năm nay không đi lên đó nữa, đường xá quá xa xôi, nghĩ tới đã phát ốm rồi.
Tính toán xong hết thảy mới có tám giờ sáng, kế tiếp làm gì để giết thời gian đây? Hay là qua nhà họ Chu ngồi chơi nhỉ? Hoặc vào phòng nhìn chị ba Chu may quần áo? Nhưng mà mình đi qua đó liệu có doạ người ta sợ chết khiếp không nhỉ?! Hay là thôi vậy, chẳng may chị ba Chu run tay cắt hư miếng vải thì toi.
Trời ơi chán quá đi, chả có việc gì làm. Cô đành lấy cái chén, thả vào một viên đường phèn, đổ chút nước nóng cho tan, đổ thêm nửa chén nước nguội, thế là xong một chén nước đường.
Trong nhà có sẵn ít khoai lang mới dỡ. Cô lấy ra hai củ gọt vỏ rồi cắt sợi. Bỏ khoai vào thau, thêm chút bột mì, đổ vào non nửa chén nước đường vừa pha lúc nãy.
Haizz, tiếc quá đi, biết sớm thì mình nên tích trữ ít đường trắng mới phải, giờ trong tay chỉ có đường phèn, thôi dùng tạm vậy, lần này đi huyện thành nếu thấy đường trắng nhất định phải mua mới được.
Bánh khoai lang bọc bột mì chiên, món ăn vặt xa xỉ với nhiều người. Khó trách bởi dầu ăn là thứ rất quý!
Lâm Thanh Hoà hào phóng đổ dầu vào chảo chiên bánh, mùi thơm ngọt ngào lan khắp căn bếp, nhanh chóng toả ra tận cửa.
Chu Nhị Oa ngửi thấy mùi thơm ba chân bốn cẳng bỏ chơi chạy vào bếp.
Nó nuốt nước miếng ừng ực, hỏi mẹ: “Mẹ đang làm món gì thế?”
Lâm Thanh Hoà trả lời: “Bánh khoai lang chiên, chạy ra ngoài xem đại ca đang chơi ở đâu, kêu nó về ăn, nếu tìm không được thì cho nó nhịn luôn.”