Chương 36: Vào cung vua hiến kế (thượng)

Thiên Hạ Kiêu Hùng

Thành Đại Hưng của triều Tùy cũng chính là thành Trường An của triều Đường. Sự thay đổi chủ yếu của triều Đường chính là xây dựng nên cung Đại Minh và cung Hưng Khánh. Bố cục thành trì của hai triều về cơ bản là không thay đổi. Năm thứ hai Khai Hoàng, thợ thủ công nổi tiếng Vũ Văn Khải tham chiếu thành Lạc Dương và thành Nam Bắc Tề mà Văn Đế xây dựng, mất một năm hai tháng mới xây dựng xong.

Toàn bộ thành trì là do Đại Cung thành, Hoàng Thành và đường biên thành tạo nên. Trong đó Đại Cung còn được gọi là Đại Hưng cung. Hai bên là cung đình và Đông cung, là nơi cung nữ và Thái Tử ở.

Mặt phía Bắc của Đại Hưng cung là nơi ở của Vua và các phi tần. Còn ba địa điện phía Nam là nơi cử hành việc triều chính. Hai bên điện Đại Hưng của một trong ba điện lại có các kết cấu hai tỉnh nội sử và môn hạ cùng với văn quán, sử quán, xá nhân viện v.v.

Còn Hoàng thành chính là các bộ Thượng thư và là nơi của nha môn trung tâm triều đình hai bên đài, mười một tự, mười hai vệ ở. Và Chiêu Dương Môn chia Hoàng thành ra làm hai phần.

Cửa chính vào thành Đại cung được gọi là Thừa Thiên Môn. Cửa chính đi vào Hoàng thành được gọi là Chu Tước Môn. Về tương đối, vào Chu Tước Môn thì khá dễ dàng. Nhưng cần phải có vật cho phép vào thì mới được vào trong.

Buổi sáng, Nguyên Khánh đến trước Chu Tước Môn. Hôm nay hắn mặc một cái áo vải mới, đầu đội khăn Tân Bình. Nhìn hắn rất có tinh thần.

Hắn đi đến trước Chu Tước Môn, một người vệ quân gác cổng tiến đến ngăn hắn lại. Anh ta liếc mắt đánh giá Nguyên Khánh một cái:

- Có thẻ vào cửa không?

Nguyên Khánh lấy ra miếng ngọc bội:

- Tôi có cái này.

Dương Kiên hôm trước đã từng nói với hắn, chỉ cần có miếng ngọc bội này thì bất cứ lúc nào cũng có thể vào cung.

Người thị vệ gác cổng vừa nhìn thấy thì liền lập tức tỏ ra cung kính. Anh ta vội vàng phất tay:

- Mời công tử vào!

.....

Lúc này ở bên trong triều điện Lưỡng Nghi, Hoàng đế Đại Tùy Dương Kiên đang cùng với các trọng thần thương thảo vệ việc dùng binh đối với Đột Quyết. Ngoài Hoàng đế Dương Kiên ra còn có mấy chục trọng thần quan văn quan võ như Thái Tử Dương Dũng, Tấn vương Dương Quảng, Thượng thư Tả Phó Xạ Cao Quýnh, Thượng thư Hữu Phó Xạ Dương Tố, Dân bộ Thượng thư Hộc Luật Hiếu Khanh, Binh bộ Thượng thư Liễu Thuật, Hình Bộ Thượng thư Tiết trụ, Thượng Trụ Quốc Vũ Văn Thuật, Hạ Nhược Bật, Yến Vinh v.v.

Quyết sách tấn công Đột Quyết đã định ra. Bây giờ mấu chốt là làm thế nào để đánh? Xuất binh từ đâu và ai cầm binh?

- Các vị ái khanh, trẫm xin đưa ra một phương án.

Dương Kiên rời khỏi ghế rồng. Trong triều, các quan đã dựng lên một cái giá gỗ. Trên giá gỗ có một bức bản đồ phương Bắc. Trên bản đồ không vẽ phương án tiến quân của Dương Kiên. Ông ta cầm lên một cây gỗ nhỏ, chỉ hướng Mặc Bắc nói:

- Lần này tấn công Đột Quyết, chủ yếu là tập trung binh lực đối phó phía đông Đột Quyết, đánh tan Đô Lam bộ để cho Đột Lợi bộ có thể thay vào đó ổn định thế cục phía đông Đột Quyết. Sau đó chúng ta lại tập trung binh lực tiến công Tây Đột Quyết Đạt Đầu. Nhưng lần này không đánh. Lần này chúng ta chỉ đánh Đô Lam bộ.

Ông ta lại đặt cây gỗ xuống chỗ biên giới, chậm rãi nói:

- Hai ngày nay trẫm đã suy nghĩ kỹ rồi. Chúng ta có thể chia quân ra làm ba. Một đội đến U Châu, một đội đến Mã Ấp, một đội đến Linh Võ. Ba đội quân này lần lượt tấn công vào vào phía đông, trung và phía tây của Đô Lam Đột Quyết khiến cho bên đó đầu đuôi đều khó giữ. Để phối hợp ba quân tác chiến, trẫm suy xét cử Hán Vương làm Nguyên soái, tổng lĩnh ba quân. Các vị ái khanh nghĩ thế nào?

Thái Tử Dương Dũng gật đầu khen ngợi:

- Phụ hoàng suy xét thật chu toàn! Nhi thần hoàn toàn tán thành.

Tấn vương Dương Quảng trong mắt lại hiện lên sự bất an khó quan sát được. Trong năm huynh đệ, từ xưa đến nay đều là anh ta dẫn binh.Quyền quân sự là do anh ta nắm. Làm sao mà lại để Hán Vương thay thế địa vị quân sự của anh ta cơ chứ? Anh ta đứng dậy nói:

- Phụ hoàng, cho phép nhi thần muốn nói một câu.

Dương Quảng từng là nguyên soái Trưng Nam, lại là tổng quản của Dương Châu, làm mười năm ở phương Nam, có sức xoa dịu sự oán hận và hoài nghi đối với người Hán ở phương Nam. Bất luận là về phương diện chính trị hay quân sự thì Dương Kiên đều rất tín nhiệm anh ta, liền gật đầu cười nói:

- Khanh nói đi!

Dương Quảng nhìn mọi người liếc mắt một cái, cao giọng nói:

- Phương án ra quân ba đường của phụ hoàng thật là tốt. Nhưng phụ hoàng đã nghĩ đến hay chưa? Ba đội quân mỗi đội cách nhau đến hàng ngàn dặm, căn bản rất khó để phối hợp. Thời cơ trong trận chiến thay đổi trong nháy mắt. Ngày hôm nay phát hiện ra một đội quân địch thì cần phải có hai đội quân phối hợp tấn công. Đợi một đội quân đến phối hợp thì cũng phải năm sáu ngày sau. Lúc đó thì tình hình đã có sự biến đổi rồi. Ngược lại sẽ đưa ra quyết sách sai lầm, lỡ mất thời cơ chiến đấu tốt. Vì thế nên nhi thần cho rằng không thể dùng cách để một Nguyên soái tổng chỉ huy.

- Thần ủng hộ ý kiến của Tấn vương.

Dương Tố đứng dậy hành lễ với Dương Kiên:

- Thần chinh chiến nhiều năm, biết rõ sự linh hoạt cơ động của binh lính Đột Quyết. Kỵ binh hành quân một ngày mấy trăm dặm. Chúng ta nhất thiết không thể câu nệ hình thức, tác chiến bị động được. Ba quân cách nhau đến ngàn dặm, việc phối hợp tác chiến thực sự là khó thực hiện.

Dương Kiên rơi vào trầm tư. Thái Tử Dương Dũng lại biết được dụng ý thực sự của Dương Quảng. Anh ta là vì không muốn Hán Vương Dương Lượng có được quyền chỉ huy quân đội trong tay. Sau khi diệt triều Trần, Dương Quảng tự coi rằng mình có công lớn nên bắt đầu để lộ dã tâm. Tuy anh ta giả vờ là vẫn tốt đẹp, giấu được Phụ Hoàng và Phụ mẫu nhưng tâm tư của anh ta thì không thể tự giấu chính bản thân mình. Dương Dũng không tiện mở miệng. Anh ta nhanh chóng nháy mắt với Cao Quýnh.

Cao Quýnh hiểu ý, ông ta cũng đứng dậy nói:

- Bệ hạ, mất cái gì đó thì tất sẽ có được cái gì đó. Ba quân tuy cách xa ngàn dặm. Nhưng đó là ở biên giới Tùy. Sau khi nhập Mạc Bắc thì ba quân sẽ dần dần ở gần nhau. Thần rất lo lắng nếu như không có sự phối hợp tác chiến mà ngược lại sẽ bị Đô Lam Đột Quyết tập trung binh lực, tiêu diệt từng bộ phận. Thần nghĩ rằng, không nên chia ra ba quân mà để cho Hán Vương thống lĩnh một đội quân xuất quân từ Mã Ấp, rồi lại từ Đột Lợi đi về phía Tây cùng với quân Tùy. Không biết bệ hạ thấy thế nào?

Dương Tố và Cao Quýnh nói đều có lý. Dương Kiên chắp tay phía sau bước đi thong thả. Chính lúc này, một thị vệ tiến vào trong cung Vua, giơ cao miếng ngọc bội lên và bẩm báo:

-Bệ hạ, một cậu thiếu niên ở ngoài cung cầu kiến. Cậu ta nói cậu ta có sách lược phá Đột Quyết.

Trong cung lập tức có tiếng ồ lên. Người ngồi phía sau là Vũ Văn Thuật tức giận khiển trách:

- Càn quấy! Trọng thần đang bàn việc quốc gia đại sự. Có liên quan gì đến thằng bé con? Còn không mau lui ra?

Thị vệ sợ hãi, vội vàng lui ra. Thị lực của Dương Kiên rất tốt. Ông ta liếc nhìn thấy miếng ngọc bội, trong lòng xúc động, vội hô:

- Quay lại!

Thị vệ lại dừng lại bước chân. Dương Kiên vẫy tay:

- Đưa viên ngọc bội cho trẫm.

Thị vệ cầm ngọc bội tiến lên. Dương Tố lập tức mồ hôi lạnh toát ra. Ông ta nhận ra mảnh ngọc bội này là mảnh ngọc bội hôm trước Thánh Thượng đưa cho Nguyên Khánh. Cao Quýnh cũng nhận ra. Trong lòng ông ta nghi hoặc, Nguyên Khánh đến đây làm gì? Chỗ này đâu phải để làm thơ? Cậu ta có thể có quyết sách hay hay sao?

Dương Kiên nhận lấy miếng ngọc bội. Trên mặt ông ta là nụ cười. Ông ta liền bảo thị vệ:

- Ban cho cậu ta áo trắng rồi dẫn vào đây.

Thị vệ vội vàng đi ra. Dương Kiên lại quay về bệ rồng. Ông ta cười mà không nói gì. Ấn tượng của ông ta về Nguyên Khánh là vô cùng tốt. Ông ta cảm thấy đó là một thiếu niên kiên định, không phù hoa. Cậu ta đến hiến kế sách trị Đột Quyết, tất nhiên là phải có nguyên nhân. Hơn nữa ông ta cũng muốn lợi dụng lúc này để suy xét thêm kế sách của Dương Tố và Cao Quýnh. Rốt cuộc là xuất quân một đường hay ba đường đây?

Có thể nói, Nguyên Khánh đến thật đúng lúc.

Trong điện, ngoại trừ Dương Tố và Cao Quýnh ra, mọi người đều không biết là chuyện gì. Chỉ có Dương Quảng là đoán được một phần. Anh ta là có người của mình đã lặng lẽ thông qua thị vệ của Dương Kiên, hỏi thăm tỉ mỉ sự việc xảy ra khi phụ hoàng ra ngoài. Anh ta biết Phụ hoàng đi ra ngoài gặp nạn, được cháu của Dương Tố cứu. Sau khi chuyện xảy ra, phụ hoàng còn tặng cho cậu ta một miếng ngọc bội nữa.

Xem ra người thiếu niên đến hiến kế sách đánh Đột Quyết lần này chính là cháu của Dương Tố. Anh ta vụng trộm quay ra nhìn Dương Tố một cái. Anh ta muốn xem có phải là do Dương Tố cố ý sắp đặt hay không. Anh ta rất hoài nghi, một thiếu niên bé nhỏ thì biết gì về kế sách đánh Đột Quyết cơ chứ?

Dương Tố hiện tại tâm trạng vô cùng rối loạn. Ông ta không biết gì cả, và đang lo lắng Nguyên Khánh nếu như nói lời sai trái thì khả năng ảnh hưởng đến cả tính mạng. Giờ khắc này Dương Tố đã quyết định thỉnh tội cứu cháu.

Dương Kiên mặc dù không biết có phải là Dương Tố sắp xếp từ trước hay không. Nhưng ông sẽ xem. Ông ta nhìn thấy sắc mặt Dương Tố tái nhợt, trên trán lấm tấm mồ hôi, đứng ngồi không yên. Ông ta liền đoán được ngay chỉ e là Dương Tố cũng không biết chuyện này.

Lúc này thị vệ dẫn theo Nguyên Khánh đã mặc áo trắng đi vào điện Lưỡng Nghi. Nguyên Khánh không có thân phận gì, phải mặc áo trắng để yết kiến. Hắn rảo bước đi nhanh đến, quỳ xuống dập đầu:

- Tiểu dân Dương Nguyên Khánh khấu kiến Hoàng Đế Bệ Hạ. Chúc bệ hạ vạn tuế vạn tuế vạn vạn tuế!

Hắn nói rất rành mạch nhưng trong lòng có chút căng thẳng. Dù hắn biết Dương Kiên sẽ không trở mặt giết ân nhân cứu mạng mình, lại càng không tùy tiện giết cháu của Dương Tố. Cùng lắm là không triệu kiến thôi. Đã cho triệu kiến rồi thì sẽ không phải vì muốn giết hắn. Điều này trong lòng hắn hiểu rõ.

Chỉ có điều chuyện chính sách quân sự quan trọng là một chuyện mạo hiểm. Phải xem phương án hắn suy nghĩ suốt một đêm kia có thể nói động lòng Hoàng đế được hay không.

Dương Kiên khẽ mỉm cười.

- Cậu thiếu niên này, cậu thật là có gan. Không chỉ dám ẩu đả với lợn rừng mà còn dám xông vào cả nội đường triều đình nữa.

Nguyên Khánh cao giọng nói:

- Bệ hạ, bảo gia vệ quốc, thất phu hữu trách (bảo vệ quốc gia, người dân thường cũng phải có trách nhiệm). Thần tuy nhỏ tuổi nhưng cũng muốn chia sẻ lo lắng cùng Bệ hạ.

Nói chung, những người có thể ngồi họp ở điện Lưỡng Nghi này đều là những người vô cùng thành thục về chính trị. Ngay cả đến thị vệ Vũ Văn Thuật người vừa khiển trách đó cũng không dám nhiều lời. Ông ta cũng nhìn ra cậu thiếu niên này có mối quan hệ không bình thường với Thánh Thượng. Dường như là họ có quen biết nhau. Ngay cả đến Dương Tố và Cao Quýnh cũng còn không lên tiếng, thì làm sao đến lượt ông ta cơ chứ.

Tuy nhiên vẫn là có một người không biết điều, không nhìn ra mối quan hệ tinh tế bên trong đó. Người này chính là Thượng Trụ Quốc Hạ Nhược Bật. Ông ta luôn là người không có tấm nhìn, tự cao tự đại mình có công lớn nên chẳng coi văn võ trong triều ra gì. Ông ta đã mấy lần đắc tội Dương Kiên rồi. Vậy nên các quần thần đều xin xử Hạ Nhược Bật.

Lúc này Hạ Nhược Bật thấy cậu thiếu niên này không biết cao thấp là gì. Nói cái gì mà tuổi nhỏ nhưng cũng muốn chia sẻ lo lắng với Bệ hạ. Ông ta lập tức lửa giận trong lòng bốc lên, lớn tiếng quát:

- Ta chức đại tướng đây mà còn biết khiêm tốn. Ngươi chỉ là một thằng trẻ ranh mà cũng dám nói đến việc hiến kế trị Đột Quyết sao?

Nhấn Mở Bình Luận