Chương 3: Quay về quá khứ

Xuyên Qua Ngàn Năm

Ánh nắng rực rỡ đang chiếu rọi khắp mọi nơi ở miền biển Kiên Giang. Chưa tám giờ sáng, mà cái nắng đã nóng hầm hập chói lòa nhìn lóa cả mắt, nắng biển mùa hè nóng muốn bỏng da. Mọi người trong đoàn đang lần lượt di chuyển từ khách sạn ra xe, cùng tập hợp lại để chuẩn bị xuất phát ra bến tàu.

Ông Sáu chung đoàn đi ngang qua Ngọc Mai, bất chợt quay lại cười khà khà nói lớn: "Ngọc Mai! Baba con vẫn chưa ưng ý được cái nón nào à? Nói ổng ở lại từ từ chọn, chọn không được nữa thì đợi chiều nay mọi người quay lại chọn dùm cho."

Nói xong, ông cùng mọi người cười ha hả. Ông Sáu là đối thủ bạn hàng chuyên bán phá giá thuốc một mất một còn với ông Ba, việc hai ông luôn cà khịa qua lại với nhau xảy ra như cơm bữa.

Nghe ngữ khí trêu chọc của ông Sáu, Ngọc Mai chỉ mỉm cười nhàn nhạt im lặng. Chứ cô mà lên tiếng là mất công ăn mệt, vì cô là nhỏ tuổi nhất trong đoàn toàn người già này, dù cô có muốn nói đỡ cho Baba cũng không tìm được lý do, vì ông Sáu nói quá đúng mà.

Ngọc Mai thở dài, có một Baba cuồng nón không biết nên vui hay buồn đây. Vui vì có tặng quà sẽ không cần suy nghĩ mất công chọn lựa, còn buồn thì thật ba chấm.

Mang tâm trạng "hoài nghi" cuộc đời, Ngọc Mai lấy điện thoại trong túi quần ra gọi cho Baba, vừa bấm mở máy thì thấy ông cuối cùng cũng chịu xuất hiện với hai cái nón, một cái đang đội và một cái cầm trên tay. Đang hấp ta hấp tấp chạy lại cười hề hề nói với cô:

"A! con gái cưng, thật ngại quá, chưa trễ giờ đâu nhỉ?"

Ngọc Mai: "..."

Ông Ba cảm thấy thật oan uổng hết sức, đem theo có mười cái nón, đã tuyển lựa kĩ càng rồi nhưng đến đây mới nhớ là ngồi tàu. Muốn seo phi (selfie*) với con gái thì ít nhất phải hèm hèm từ ba đến bốn cái nón thay đổi cho ngầu, nhưng lại quên mất là ngồi tàu thì sẽ có gió. Đội không cẩn thận, gió thổi bay mất bảo bối biết bắt đền ai.

Lựa mãi, lựa mãi, chỉ có hai cái là đủ điều kiện, nhưng lại không hợp với bộ đồ đang mặc. Cực chẳng đã phải thay đồ khác, thay xong lại phải thay giày khác cho theo xì tai, haizz! Không ai chịu hiểu cho ông.

Để xoa dịu con gái, ông Ba lại cười hề hề với Ngọc Mai thêm cái nữa, phải cố gắng làm lành chứ nếu không con gái rượu của ông mà mất hứng thì sẽ không có trà để uống. Ngoài nón ra ông Ba còn có thêm một đam mê nữa đó là uống trà, mà hiện tại gói trà duy nhất của ông trong chuyến đi này con gái ông đang giữ, chọc giận ai cũng được nhưng nhất định không được chọc người đang nắm giữ sở thích của mình.

Ngọc Mai trừng mắt hung dữ với ông một cái cho bỏ tức, rồi vội vàng theo mọi người leo lên xe. Vừa ngồi ổn định, sư An trưởng đoàn liền đứng dậy kiểm tra hô lớn: "Đủ rồi, đi thôi bác tài"

Sau bốn ngày cứu trợ, chạy đôn chạy đáo làm cu li cho đoàn, cuối cùng Ngọc Mai cũng được đền bù một ngày vui chơi ra trò. Dù có chơi quên trời đất, thì cô cũng không quên lôi máy quay phim ra tác nghiệp mấy cảnh quay vui vẻ, quay thêm mấy đoạn clip nhỏ về các món ăn ở trên đảo hôm nay.

Và tất nhiên, là không thể quên cùng Baba seo phi với hai cái nón ông ưng ý nhất. Trước khi lên tàu để quay về lại khách sạn, hai cha con còn nấn ná ăn một bụng hải sản no căng.

Tàu vừa khởi hành được tầm hai mươi phút hơn thì trời bắt đầu nổi gió, trời đang nắng gắt ấy thế mà thình lình đen sậm, gió thổi vù vù bốn phía. Mới đầu là gió mạnh, chưa được bao lâu sóng bắt đầu đập vào thân tàu, khiến thân tàu càng lênh đênh nhọc nhằn.

Bầu trời bằng mắt thường cũng có thể thấy được từng đám mây đang dần dần chuyển màu đen kịt, Ngọc Mai cảm thấy hối hận vì sao lúc nãy lại ăn quá no khiến bây giờ bụng cô muốn nôn hết cả ra.

Xung quanh đều là biển bao la, con tàu cứ ngã nghiêng theo từng đợt sóng. Nhìn thấy tất cả mọi người trên tàu bị lắc lư sắp rớt luôn xuống biển, dấu hiệu không ổn. Ông Ba cất hết nón vào ba lô đeo lại trên vai, rút lấy thắt lưng quần ra, cầm tay của ông và Ngọc Mai lại, rồi lấy dây nịt quấn lại thật nhiều vòng cho vừa với lỗ bấm rồi cài lại, vừa vội vàng làm ông vừa lên tiếng nhắc nhở:

"Không ổn rồi, Ngọc Mai con không biết bơi, lát nữa có việc gì cũng phải theo sát Baba, nếu chẳng mai rơi xuống biển con nhớ nín thở được bao lâu thì ráng nín bấy lâu nghe chưa?"

Nói xong không đợi Ngọc Mai trả lời, ông kéo tay ngó nghiêng con gái, thấy cái balo to đùng phía sau của con thì vội nói:

"Con bỏ bớt đồ trong balo ra cho nhẹ, nếu rớt xuống biển cũng không bảo quản được đâu lại nặng thêm."

Ngọc Mai chưng hửng! Vội giơ tay lên nói: "Nhưng tay con bị buộc lại rồi sau bỏ balo ra được đây Baba."

Ông vừa định bảo con gái quay lưng lại để ông lấy đồ ra, nhưng chưa kịp mở miệng thì "đùng" một tiếng sét giáng xuống sát ngay thân tàu.

Từng đợt gió gào thét, chiếc thuyền chòng chành như muốn hất văng mọi thứ, thuyền sắp không chống đỡ nổi.

Cơn mưa bất ngờ như trút, nhìn không thấy trước mắt, chiếc thuyền được sóng nâng lên cao rồi thình lình đổ ầm xuống, chiếc thuyền không chịu nổi vỡ tan tành quăng luôn tất cả mọi người xuống biển.

Hai cha con chới với không kịp định thần, mọi việc xảy đến quá nhanh, chỉ trong tích tắc bị hất lên rồi rơi tõm luôn xuống biển một cách mạnh bạo.

Ngọc Mai cảm thấy mai mắn là Baba của mình lo trước buộc chung tay với ông, chứ không thôi hai cha con chắc chắn người đằng đông người đằng tây. Ngọc Mai không biết bơi, vừa đụng nước là cơ thể theo bản năng hoảng loạn mất bình tĩnh, không còn nhớ gì đến lời Baba dặn là nín thở.

Ngọc Mai không ngừng giãy giụa, cô không nghe được gì ngoài âm thanh ù ù. Cô không còn phân biệt được phương hướng. Đầu óc không còn minh mẫn khi nước cứ tràn vào cơ thể, cảm giác đau xót xông qua mũi buốt lên não.

Tim như ngừng đập, ngạt thở quá! Hình như có sức kéo ở cánh tay nhưng toàn bộ giác quan và phản xạ của cô đều phản chủ, tai ù đặc, ngực đau lợi hại. Trước khi mất đi ý thức Ngọc Mai loáng thoáng như thấy một đốm sáng lập lòe chớp chớp ngay trước mắt, cô cố hết sức muốn nhìn rõ hơn nhưng lực bất tòng tâm.

Khi sự bất lực bủa vây và chờ đợi cái chết đang từ từ tiến đến, Ngọc Mai rất muốn chửi cuộc đời, tại sao chứ? Cha không thương, mẹ không yêu, tưởng được ông trời đền bù cho Baba đến cứu vớt đời cô, nhưng có lẻ cô quá hạnh phúc nên trái với lẻ thường khi mệnh số được sinh ra là phải bị đày đọa.

Ông trời ngại cô quá hạnh phúc nên muốn dìm chết cô mà, chúc mừng ngài đã được như ý nguyện! Sống mới được hai mươi năm, còn nhiều thứ cô còn chưa được trải nghiệm, bị kết thúc bằng cái chết thật không cam tâm, thật sự là không cam tâm.

Điều cô bận tâm nhất vẫn là Baba, tâm hồn mong manh dễ vỡ ấy sẽ chịu nổi sao? Và cái kênh triệu view vừa mới đổi mật khẩu mà chưa kịp báo cho Baba...

Khi ông Ba đang cố gắng những tàn hơi cuối cùng để ngoi lên mặt biển, thì bất thình lình có một luồng nước xoáy, hút mạnh hai cha con cuốn vào cơn lốc đang được vòng sáng rực rỡ bao phủ xung quanh. Cơn lốc quá sức con người có thể chịu được, ông Ba hoàn toàn mất luôn nhận thức.

*Selfie: Ảnh tự chụp hay là tự chụp ảnh chân dung, trong ngôn ngữ thông tục còn gọi là "ảnh tự sướng", "chụp ảnh tự sướng" hoặc đơn giản là "tự sướng" (selfie) là một t ừ vựng dùng để mô tả về một bức ảnh kỹ thuật số tự chụp, thường được thực hiện bằng máy ảnh kỹ thuật số, điện thoại thông minh hoặc webcam của các thiết bị điện tử di động, có thể cầm trên tay hoặc được hỗ trợ bởi gậy hỗ trợ tự chụp ảnh, sau đó thường được chia sẻ trên phương tiện truyền thông xã hội, thông qua các dịch vụ mạng xã hội như Facebook, Twitter, Snapchat và Instagram.

Từ này xuất phát nguyên thủy ở tiếng Anh với tên gọi là Selfie mà có nguồn gốc sâu xa từ diễn đàn mạng ở Úc vào năm 2002 xuất phát từ một bức ảnh của người đàn ông đang say xỉn. Từ selfie được tạo thành bởi từ "self" (bản thân) và hậu tố "ie". Tiếng Anh - Úc thường hay thêm hậu tố "ie" vào các từ tiếng Anh - Anh hoặc Anh - Mỹ và người ta tin rằng chính người Úc đã sản sinh ra từ Selfie.

Tuy không phải là một từ mới nhưng phải tới năm 2013 này, người ta mới biết tới từ này một cách rộng rãi. Trong năm 2013, từ này xuất hiện liên tục trên mạng Internet, đặc biệt là các trang mạng xã hội, trở thành một từ thông dụng và thời thượng. Nguồn vi. Wikipedia.org

Nhấn Mở Bình Luận